Tin nổi bật ngày 14/1

Trong ngày 14/1, dư luận quan tâm đến các thông tin như: Khuyến cáo công dân có nhu cầu khẩn thiết mới đăng ký về nước dịp Tết Nguyên đán; Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc mới COVID-19 trong ngày là những người nhập cảnh; Truy tố nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục lừa đảo 'chạy chức'; Số người khám chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh tăng nhẹ…

Khuyến cáo công dân có nhu cầu khẩn thiết mới đăng ký về nước dịp Tết Nguyên đán

Chiều 14/1, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã thông tin về việc đón công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: TTXVN phát

Người Phát ngôn nêu rõ: Thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không trong và ngoài nước tổ chức 299 chuyến bay, đưa hơn 80.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Việc đưa công dân về nước phù hợp với tình hình dịch bệnh diễn ra trên thế giới, trong nước và năng lực cách ly ở trong nước.

Do chủng mới của SARS-CoV-2 xuất hiện và lây lan nhanh ở một số nước trên thế giới, vừa qua, ngày 5/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản yêu cầu hạn chế các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán. Trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón công dân Việt Nam ở nước ngoài về, phải được các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải thông báo, thống nhất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo thông tin từ các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, hiện có rất nhiều người Việt Nam đăng ký về nước từ nay cho đến Tết Nguyên đán. Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cũng như các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đưa những công dân có nhu cầu thực sự khẩn thiết về nước, nhằm đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh cũng như năng lực cách ly ở trong nước.

Ngày 14/1, Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc mới COVID-19

Từ 18 giờ ngày 13/1 đến 18 giờ ngày 14/1, Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số mắc lên ca.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 14/1, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 18.295 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 146 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 16.642 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.507 người.

Truy tố nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục lừa đảo 'chạy chức'

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục Lê Văn Hồng (sinh năm 1976) và Cù Đăng Thành (sinh năm 1989, nguyên cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, mặc dù không có khả năng xin việc làm vào các cơ quan ở Trung ương, nhưng do cần tiền chi tiêu cá nhân, Cù Đăng Thành và Lê Văn Hồng đã bàn bạc, thống nhất dùng thủ đoạn gian dối giới thiệu với bà Phan Thị Phương H. (sinh năm 1968, trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Thành có thể nhờ xin cho bà H. làm “Vụ phó” Vụ Quan hệ quốc tế của một cơ quan với chi phí là 800.000 USD (tương đương 17 tỷ đồng). Thành hứa sẽ xin chuyển việc cho bà H. trong thời gian sớm nhất sau khi nhận tiền và yêu cầu bà H. phải đặt mua 1 xe ô tô nhãn hiệu Camry để làm quà biếu , tạo mối quan hệ để xin việc.

Ngoài số tiền thỏa thuận ban đầu với bà H., Thành còn yêu cầu bà H. đưa thêm tổng số hơn 9 tỷ đồng để xin việc mà không nói cho Hồng biết.

Tin là thật, từ ngày 8/8/2016 đến ngày 12/2/2018, bà H. đã 14 lần chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng của Thành với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng cùng 1 xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry Q ASV50L trị giá hơn 1,6 tỷ đồng để xin việc. Sau khi nhận tiền, Thành chia cho Hồng 1 tỷ đồng. Sau đó, Thành và Hồng không thực hiện xin việc, “chạy chức” cho bà H. như đã hứa hẹn, mà chiếm đoạt sử dụng chi tiêu cá nhân.

Viện Kiểm sát xác định, tổng số tiền Cù Đăng Thành đã lừa đảo chiếm đoạt của bà H. là hơn 27,7 tỷ đồng. Lê Văn Hồng có vai trò đồng phạm giúp sức cho Thành lừa đảo chiếm đoạt 17 tỷ đồng của bà H., trong đó Hồng được hưởng lợi 1 tỷ đồng. Đến nay, bị can Hồng đã khắc phục số tiền 1 tỷ đồng, Thành khắc phục số tiền hơn 2 tỷ đồng (trong đó có 750 triệu đồng do Hồng đưa cho Thành để khắc phục hậu quả) cho bà H. Cơ quan điều tra đã trao trả cho bị hại Phan Thị Phương H. 1 xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry Q ASV50L.

Số người khám chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh tăng nhẹ

Ngày 14/1, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị cung cấp một số thông tin chuyên đề về BHXH, BHYT năm 2021.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cung cấp thông tin về tình hình thực hiện BHXH, BHYT năm 2020.

Tại hội nghị này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Sau 13 ngày triển khai chính sách thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh (từ 1/1/2021 đến nay), theo phản ánh của một số địa phương, số người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh tăng nhẹ đối với ngoại tỉnh so với thời điểm cuối tháng 12/2020. Cụ thể ở đây là tăng ở tuyến Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đến TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để có đánh giá chính xác chính sách này về thuận lợi và khó khăn, thì các cơ quan chức năng phải tiếp tục theo dõi và sẽ có số liệu cụ thể hơn sau 1-3 tháng.

Việc thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh tạo thuận lợi cho người bệnh, đặc biệt những người có thẻ BHYT đi công tác xa, thẻ đăng ký ở 1 nơi hay những người ở khu vực lân cận thành phố lớn.

"Qua theo dõi cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh gần Hà Nội như Bệnh viện Phú Thọ, Bắc Ninh, bệnh nhân không nhất thiết phải vượt lên tuyến tỉnh, vì chưa chắc được hưởng BHYT nếu không được chỉ định vào điều trị nội trú", ông Lê Văn Phúc phân tích.

Việc chỉ định điều trị nội trú phụ thuộc tình trạng bệnh lý của người bệnh, phụ thuộc vào bệnh viện đó còn đủ giường bệnh nhận nội trú và còn phải xem xét khi đưa vào có quá nhẹ hay không? "BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhẹ không cần thiết vẫn điều trị nội trú và đã có cảnh báo về vấn đề này", ông Phúc cho biết.

"Bộ Y tế đang phối hợp xây dựng thông tư hướng dẫn tiêu chí chỉ định điều chỉnh nội trú. Chính sách thông tuyến đảm bảo cho người bệnh thuận lợi, nhưng cũng tạo áp lực cho cơ sở khám chữa bệnh và Quỹ BHYT. Trong năm 2021, BHXH Việt Nam phối hợp BHXH các tỉnh cùng ngành Y tế có giám sát chặt chẽ thực hiện thông tuyến tỉnh", ông Phúc thông tin.

Thu giữ gần 5 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 14/1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và thu giữ gần 5 tấn mặt nạ, mỹ phẩm dưỡng da do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ được vận chuyển trên 2 xe ô tô tải.

Số mặt nạ đắp mặt được chứa trong 400 thùng carton, có nhãn hiệu là Rwine beauty 40ml, trị giá ước tính hơn 3 tỷ đồng. Đây đều là hàng do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ kèm theo chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng. Qua đấu tranh ban đầu, lái xe khai nhận, số hàng này được thuê vận chuyển về ga Giáp Bát để chuyển vào các tỉnh miền Nam tiêu thụ.

Hiện tại, chủ số hàng hóa vẫn chưa trình diện để làm việc với cơ quan chức năng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên cùng 2 phương tiện vận tải để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo, khi mua bán hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là thời điểm dịp cận Tết Nguyên đán, người tiêu dùng cần chọn những đơn vị, cơ sở kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ nhãn mác theo quy định của pháp luật, không nên mua sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng dẫn đến tiền mất tật mang.

XC/Báo Tin tức
Số người khám chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh tăng nhẹ
Số người khám chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh tăng nhẹ

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), sau khi thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), đã có sự tăng nhẹ bệnh nhân trái tuyến ngoại tỉnh ở một số địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN