Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - chất keo gắn chặt nghĩa tình đồng bào

Dù đi đâu, ở đâu, mỗi người con đất Việt luôn hướng về nguồn cội, với một lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên. Vì lẽ đó, thờ cúng Hùng Vương đã có sức lan tỏa mãnh liệt, trở thành chất keo gắn chặt nghĩa tình đồng bào. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, càng góp phần củng cố thêm niềm tin, niềm tự hào và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Di sản văn hóa không đâu có được

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Vua Hùng là vị Tổ đã có công xây dựng quốc gia Văn Lang - nhà nước sơ khai đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Vua Hùng chính là nguồn gốc tổ tiên chung của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể, vừa là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước, mà Bác Hồ đã tổng kết và khái quát thành chân lý của dân tộc và của thời đại: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Dâng bánh chưng, bánh dầy lên các Vua Hùng.


Di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ riêng ở tỉnh Phú Thọ, mà trải khắp đất nước Việt Nam, với 1.417 di tích thờ cúng trong cả nước. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài xác định "Con cháu ở đâu thì tổ tiên ông bà ở đó", nên vẫn thờ cúng Vua Hùng. Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, cũng đã có tới 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trong đó Đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Cụ thể, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” và khi được UNESCO công nhận, di sản sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Bên cạnh đó, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam cũng được các nhà nghiên cứu thế giới đánh giá rất cao về mặt “thực hành tốt nhất trong đời sống” thể hiện qua việc được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng người dân Việt Nam, nhất là tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, tín ngưỡng này còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được công nhận đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam.

Và điều đó đã chứng minh toàn thế giới rằng văn hóa Việt Nam có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ và có đủ khả năng hòa mình trong dòng chảy của văn hóa thế giới. Theo nhiều nhà nghiên cứu, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thuộc văn hóa tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trong đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất độc đáo có ý nghĩa sống động mà không một dân tộc nào trên thế giới có được.

Cùng chung tay bảo vệ di sản

Là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam, vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của di sản này đang được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm.

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động để giới thiệu và quảng bá đậm nét về di sản văn hóa là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” để đồng bào cả nước có thể hiểu thêm về giá trị của di sản. Như tổ chức rước kiệu của các xã vùng ven Đền Hùng; chương trình nghệ thuật chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 với chủ đề “Âm vang nguồn cội - Đất Tổ Vùng Vương” được tổ chức tối ngày mùng 7/3 âm lịch, tại quảng trường Hùng Vương.

Vào các ngày mùng 7, 8 âm lịch tại những địa điểm thờ cúng Vua Hùng, các danh nhân, danh tướng Hùng Vương ở các xã trong tỉnh Phú Thọ sẽ đồng loạt tổ chức dâng hương theo nghi lễ truyền thống.

Còn tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng sẽ tổ chức Hội chợ du lịch Tây Bắc mở rộng có sự tham gia của các tỉnh Tây Bắc và tỉnh Nara (Nhật Bản) với trên 70 gian hàng. Đây là dịp để quảng bá du lịch đặc sắc của vùng Tây Bắc.

Để bảo tồn lâu dài di sản văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tăng cường đầu tư bảo tồn, tu bổ nhiều di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh. Tại khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được đầu tư khang trang với các khu chức năng như: rừng quốc gia Đền Hùng, khu trung tâm lễ hội, khu tháp Hùng Vương, làng du lịch văn hóa Hùng Vương, khu nhà văn hóa Hùng Vương, khu trồng cây lưu niệm phía Bắc và phía Nam...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng tích cực mở rộng địa bàn kiểm kê tới các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ Vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở các làng quê; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền thờ Vua Hùng ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ; gắn di sản với các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng đất Tổ Hùng Vương và các di tích lịch sử thờ Vua Hùng và các nhân vật thời Hùng trong cả nước là hết sức cần thiết. Đồng thời phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa giáo dục di sản vào chương trình trong các trường học, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.

Tỉnh Phú Thọ cũng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện chương trình hành động quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cam kết với UNESCO về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước 2003. Đồng thời, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổng kiểm kê di sản văn hóa trong cả nước và ở các quốc gia khác, nơi có cộng đồng người Việt Nam sinh sống.

Tỉnh triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý di sản văn hóa, đi đôi với chính sách đãi ngộ thỏa đáng để động viên, khuyến khích họ gắn bó với nghề và tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đây là vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ...; phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Vụ Phổ thông, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cải tiến nâng cao chất lượng giờ dạy về các truyền thuyết liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ trong chương trình các môn học lịch sử, ngữ văn ở các cấp học.

Tỉnh Phú Thọ cũng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm gắn bảo tồn di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với di sản hát xoan Phú Thọ để khôi phục nguyên gốc bản sắc di sản văn hóa, đưa hát xoan vào phần nghi lễ hát thờ các Vua Hùng. Mặt khác đã xây dựng các tour, tuyến du lịch, gắn di sản với du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng đất Tổ Hùng Vương và các di tích lịch sử thờ Vua Hùng cùng các nhân vật thời Hùng trong cả nước.

Đại Lâm

Nhiều địa phương tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương
Nhiều địa phương tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày 28/4, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN