Tìm đầu ra để tranh tiếp tục sống…

Từ 17 dòng họ làm tranh, đến giờ chỉ còn có 2 gia đình nghệ nhân tâm huyết cố bám trụ với nghề, quả là một điều đáng buồn đối với một dòng tranh dân gian quý.

Hiện nay, khi nghề làm tranh Đông Hồ được công nhận là di sản phi vật thể của quốc gia, lại chuẩn bị làm hồ sơ trình UNESCO công nhận, việc bảo tồn, phát triển nghề làm tranh là một việc làm vô cùng cần thiết. Nhưng làm thế nào để có thể giữ được nghề? Bài toán này không phải là quá khó để tìm được lời giải.

Tâm huyết nghệ nhân


Sau nhiều năm tích cóp, dành dụm, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng gia đình đã mạnh dạn thuê đất, đầu tư vốn để xây dựng một Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ. Trung tâm này nằm ngay ở đầu làng, bên dưới bờ đê sông Đuống. Đây là vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi trưng bày, giới thiệu và bán những bức tranh Đông Hồ của gia đình ông. Du khách yêu mến dòng tranh dân gian này có thể đến đây tham quan, thưởng lãm, cũng có thể tự tay thực hiện một vài công đoạn như in, tô màu lên tranh…Tâm huyết của ông đã để lại những thành quả đáng khích lệ, Trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ của ông được nhiều du khách ghé thăm. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, hiện nay ông đã có trong tay khoảng 250 mẫu tranh khác nhau, mẫu cũ, mẫu mới sáng tác… Trân trọng tâm huyết của ông với việc bảo tồn nghề tranh truyền thống, năm 2011, ông Alain Henry, Giám đốc cơ quan phát triển Pháp tại Hà Nội đã gửi tặng ông một quyển sách mới tái bản của Giáo sư Maurice Durand, sử gia người Pháp về hình ảnh truyền thống Việt Nam, trong cuốn sách đó giới thiệu rất nhiều bức tranh Đông Hồ đặc sắc. Đặc biệt, vị này cũng đã chọn và tặng ông khoảng 30 mẫu tranh Đông Hồ đã bị thất lạc mà ông Chế chưa từng nhìn thấy trước đây, như bức “Phong tục cải lương”, “Đi bừa, nhổ mạ, cấy lúa, tát nước”, “Tam niên nhũ bộ”, “Thập nguyệt dưỡng thai”, “Song tiên vịnh thi”, “Đại thánh, Đường Tăng quá hải thần quy”…

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu tranh Đông Hồ với du khách.


Gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam thì cũng đã dành nhiều tâm huyết, nhiều thời gian tham gia các hoạt động văn hóa ở các địa phương khác nhau để giới thiệu nghề làm tranh Đông Hồ… như việc tham gia các hoạt động văn hóa, trình diễn nghề làm tranh Đông Hồ tại phố cổ Hà Nội, tham gia các tuần lễ văn hóa, festival… nhưng đó vẫn chỉ là những hoạt động mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, khó có thể vực dậy được một dòng tranh.

Có đầu ra, tranh sẽ sống!


Nghe tin nghề làm tranh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia, những nghệ nhân làm tranh Đông Hồ đều rất vui mừng, phấn khởi. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, tâm sự: “Mặc dù rất cố gắng giữ nghề cha ông, nhưng những nghệ nhân làm tranh Đông Hồ như chúng tôi đang gặp khó khăn bởi không có đầu ra. Vì không có đầu ra, không có thu nhập nên rất nhiều người dù còn tâm huyết với nghề, yêu nghề cũng vẫn không đủ can đảm quay lại làm nghề, đó là điều rất đáng tiếc”. Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, để bảo tồn nghề tranh, không có gì khác hơn là yếu tố con người. Đó là phải đào tạo được thế hệ kế cận tâm huyết với nghề, hiểu biết về tranh thì mới có thể tuyên truyền đúng, mới thấy được cái hay, cái đẹp của nghề làm tranh, có thể mới giữ được nghề cha ông. Ông Sam cũng khẳng định, nếu như làm tranh thu nhập chỉ bằng nghề vàng mã, chắc chắn sẽ có nhiều người sẵn sàng quay lại làm tranh. Và chỉ cần khoảng 5 - 10 nhà quay lại, là làng tranh Đông Hồ kể như đã được hồi sinh… Tuy nhiên, để làm được điều đó, điều cần nhất bây giờ chính là đầu ra cho sản phẩm, chỉ cần có đầu ra là tranh có thể sống…


Trao đổi về hướng bảo tồn nghề làm tranh Đông Hồ, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho biết, trước mắt, Sở VH,TT&DL Bắc Ninh đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ cho các nghệ nhân một số kinh phí để phục hồi ván khắc, sau đó, tạo điều kiện quảng bá để tìm đầu ra cho tranh, giúp các nghệ nhân có thể sống được với nghề. Đây là điều vô cùng quan trọng. Ông Phong cũng cho biết, mới đây, Sở cũng đã đưa gần 30 mẫu tranh Đông Hồ đi giới thiệu ở một vài đơn vị trong và ngoài nước, nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc về dòng tranh dân gian đến với công chúng. Tuy nhiên, để công tác bảo tồn có hiệu quả, rất cần có sự hỗ trợ tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ mai một của nghề, và sự vào cuộc giúp đỡ của nhiều ban, ngành chức năng.


Đối với việc lập hồ sơ di sản trình UNESCO, ông Phong cho biết, Sở đã tiến hành kiểm kê di sản, tư vấn tỉnh thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ. Theo lộ trình, hơn 2 năm nữa hồ sơ di sản về nghề làm tranh Đông Hồ sẽ hoàn thành và trình UNESCO. Theo ông Phong, việc kiểm kê và xây dựng hồ sơ sẽ không có nhiều khó khăn, vấn đề hiện tại là chọn đơn vị tư vấn tốt để họ hướng dẫn mình cách xây dựng hồ sơ di sản bám sát yêu cầu.


Với việc nghề làm tranh Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, lại được làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, cùng với phương án bảo tồn hợp lý, nghề làm tranh Đông Hồ sẽ tiếp tục phát huy giá trị văn hóa đặc biệt của nó cho muôn đời sau.


Bài và ảnh: Phương Lan

Độc đáo tranh Đông Hồ bám sát thời cuộc
Độc đáo tranh Đông Hồ bám sát thời cuộc

Nói đến tranh Đông Hồ, nhiều người vẫn thường nhớ đến “Đám cưới chuột”, “Mẹ con đàn lợn”, “Hứng dừa”, “Đánh ghen”… nhưng có lẽ còn ít người biết, tranh Đông Hồ cũng có những bức tranh nói về phong trào Âu hóa, những bức tranh đả kích, phê phán những mặt trái của xã hội phong kiến thời Pháp thuộc...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN