Sau khi được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề làm tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào danh sách di sản lập hồ sơ trình UNESCO xét danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp trong giai đoạn 2012- 2016. Những bước đầu tiên của việc lập hồ sơ di sản đã được tỉnh Bắc Ninh tiến hành. Theo lộ trình, hơn 2 năm nữa, hồ sơ di sản sẽ được trình UNESCO.
"Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh"
Du khách thăm cơ sở sản xuất tranh Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. |
Nghề làm tranh mà câu ca dao trên nhắc tới chính là làng tranh Đông Hồ, xưa có tên là làng Mái (nay thuộc xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh). Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, tuy là dòng tranh dân gian, nhưng mỗi bản in của tranh Đông Hồ thể hiện một truyền thuyết hoặc một câu chuyện ngụ ngôn mang tính triết lý, một bức thông điệp đầy màu sắc về đạo đức, luân lý và tín ngưỡng sâu sắc, hay một thông điệp từ hàng ngàn năm trước của cha ông.
Có thể kể đến bức tranh nổi tiếng như “Đám cưới chuột”, đó là một trong những bức tranh phê phán, nhưng nó cũng thể hiện sự gan dạ, dũng cảm của họ hàng nhà chuột. Để đám cưới chuột diễn ra một cách suôn sẻ, họ nhà chuột đã xử trí một cách thông minh là mang lễ vật đến cống lễ họ nhà mèo. Bức tranh nổi tiếng “Đám cưới chuột” là sự thể hiện tài tình các thói hư tật xấu của xã hội phong kiến thông qua hình tượng các con vật một cách dí dỏm và sâu sắc, nhưng tính chất thời sự trong tranh vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.
Hay như bức “Đánh ghen” là một trong những tranh sinh hoạt dí dỏm, nhưng cũng mang tính giáo dục. Bà vợ xắn váy quai cồng xông tới, cầm kéo đòi cắt tóc cô nhân tình, ông chồng bị bắt quả tang nhưng một tay vẫn đặt lên ngực cô nhân tình ra điều không chịu ăn năn hối lỗi, ôm cô nhân tình vào lòng để bảo vệ, còn tay kia thì để hòa hoãn với bà vợ. Đứa bé thì chắp tay van lạy xin những bậc phụ mẫu thôi đừng giằng co. Bức tranh cũng là lời cảnh báo, nếu cha mẹ cư xử như vậy, những hình ảnh đó, kí ức đó sẽ đi vào tâm thức con trẻ, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của nó, đó là điều đáng lo lắng!
Tranh “Gà dạ xướng” có dòng chữ: Ngũ canh hòa dạ xướng (5 canh con gà gáy đúng thời khắc) lại là lời nhắc nhở về chữ tín mà người đời cần nhớ qua biểu hiện tiếng gà năm canh, dù nắng, mưa hay giá rét không bao giờ sai.
Hình ảnh lợn xuất hiện nhiều trong tranh Đông Hồ, là một con vật gắn liền với người nông dân chất phác. Lợn mang một ý nghĩa rất riêng: thể hiện sự sung túc, thịnh vượng, một năm mới phát tài phát lộc. Vì vậy khi khắc họa trên tranh, hình ảnh chú lợn cũng mang những sắc thái tươi vui và dí dỏm. Bức “Lợn ăn lá dày” đẹp và rực rỡ với sự cách điệu lạ mắt: khoáy tròn âm dương trên lưng. Rồi bức “Đàn lợn mẹ con” toát lên cái hồn của làng quê bình dị và thân thiết, để những người con đất Việt dù đi đâu xa vẫn nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình…
Ngoài ra, những bức tranh khác như “Hứng dừa”, “Thầy đồ cóc”, “Nhân nghĩa”, “Lễ tri”… mỗi bức tranh không chỉ là để trang trí, mà như những trang sách bằng hình ảnh chứa đựng trong đó những bài học về đạo lý, tư tưởng, đạo đức, văn hóa, kinh nghiệm sống truyền cho thế hệ sau…
Ngoài các bức tranh đặc trưng ấy, các nghệ nhân Đông Hồ cũng sáng tác nhiều bức tranh phỏng theo những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện lịch sử để vẽ những bộ tranh Đông Hồ. Có thể kể đến một vài bộ tranh như bộ tranh “Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa”, bộ tranh vẽ phỏng theo Truyện Kiều của Nguyễn Du, bộ tranh vẽ tích Lưu Bình - Dương Lễ, những bộ tranh vẽ về các vị anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo… Điều này cho thấy, tuy là xuất phát từ đời sống dân gian, nhưng tranh Đông Hồ cũng có đủ loại từ tranh giáo khoa, phong cảnh, phong tục, sinh hoạt, tín ngưỡng, tranh truyện (dựa theo cổ tích) tranh lịch sử, châm biếm và hài hước...
Bài và ảnh: Phương Lan
Độc đáo tranh Đông Hồ bám sát thời cuộc