Thông tin từ thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, phiên đầu tiên sẽ là giới thiệu các thành viên, phổ biến quy chế hoạt động và nghe tổ kỹ thuật báo cáo các chỉ số để tính mức lương tối thiểu vùng.
Trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có công văn yêu cầu các địa phương đánh giá việc thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng, qua đó làm căn cứ đề xuất điều chỉnh, theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Từ việc rà soát nhằm đánh giá khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp trong việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng và trả lương cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Bộ LĐTBXH yêu cầu tăng cường rà soát địa bàn áp dụng lương tối thiểu, nhất là các đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp lại theo các nghị quyết của Quốc hội hoặc thuộc diện sắp xếp trong năm 2022.
Đối với trường hợp dự kiến điều chỉnh phân vùng, Bộ LĐTBXH đề nghị các sở LĐTBXH phối hợp với ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi với liên đoàn lao động cấp tỉnh, chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp cấp tỉnh, các hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong năm 2020, do tác động của dịch bệnh COVID-19 nên Hội đồng tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Do đó, mức lương tối thiểu vùng hiện nay vẫn áp theo theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng cụ thể là: vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.