Tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng bao nhiêu?

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa họp phiên đầu tiên để các bên đưa ra đề xuất mức lương tối thiểu vùng 2020. Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) đề xuất tăng lương từ 7 - 8% mới đáp ứng mức sống tối thiểu; trong khi đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ban đầu đề xuất không tăng và cuối cùng đưa ra phương án tăng dưới 3%.

Tổng LĐLĐ đưa ra hai phương án tăng

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp cho biết: Như những năm gần đây, Hội đồng tiền lương quốc gia gồm các khối: Đại diện Nhà nước, đại diện người lao động - Tổng LĐLĐ và đại diện doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và hiệp hội có liên quan.

Chú thích ảnh
Lao động phổ thông mong muốn tiền lương được cải thiện

Trước phiên họp, các khối này đã có nghiên cứu kỹ lưỡng, phối hợp cung cấp số liệu để đưa ra phương án kỹ thuật, trên cơ sở đó thống nhất mức lương tối thiểu năm 2020. Thực tế mức lương tối thiểu là sàn lương tối thiểu, cần bàn thảo kỹ lưỡng để hài hòa các bên. Như thông lệ hàng năm, chắc chắn giữa các bên sẽ có sự chênh lệch về con số tăng lương năm tới. Đây là điều bình thường. Do đó, Hội đồng tiền lương quốc gia mới cần có sự bàn bạc và thương lượng để đi đến mức thống nhất, trình Chính phủ phê duyệt.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) cho rằng, mức tăng lương tối thiểu 2019 mới chỉ đáp ứng được khoảng 95% mức sống tối thiểu của người lao động. Năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội có những thuận lợi để có thể kỳ vọng nâng mức tiền lương tối thiểu cho người lao động; đồng thời thực hiện nội dung của Nghị quyết 27-NQ/TW, tiền lương tối thiểu đến năm 2020 phải đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

“Hiện nay, xác định mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ từ bộ phận kỹ thuật và cơ quan đại diện người lao động có những khác biệt. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đang xác định tỷ lệ lương thực thực phẩm là 48%, phi lương thực thực phẩm là 52%. Chúng tôi thấy rằng trong điều kiện kinh tế xã hội phát triển, nhu cầu về lương thực thực phẩm ngày càng giảm, nhu cầu phi lương thực ngày càng tăng. Các nước phát triển xác định tỷ lệ lương thực thực phẩm rất thấp khi tính toán mức lương tối thiểu. Ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, tỷ lệ chi phí cho lương thực thực phẩm chỉ chiếm 23% trong giỏ hàng hóa của người lao động. Con số này ở Trung Quốc là 40%. Cách tính hiện nay của chúng ta vẫn quá cao”, ông Lê Đình Quảng nhận định.

Phân tích cụ thể, ông Lê Đình Quảng cho biết, Tổng LĐLĐVN đề xuất tính tỷ lệ mức lương thực thực phẩm khoảng 47% thì mức lương tối thiểu năm 2020 sẽ có thể tăng từ 160.000 - 330.000 đồng, tức khoảng 7,06% là phương án 1. Còn phương án 2, tỷ lệ lương thực thực phẩm giảm còn 46,5%, thì mức tăng lương tối thiểu sẽ tăng từ 180.000 - 380.000 đồng, tương đương tăng 8,18%.

Nếu thực hiện theo 2 phương án này, thì mức lương tối thiểu mới có thể đáp ứng được đời sống tối thiểu của người lao động.

Chủ sử dụng lao động đề xuất tăng 3%

Trong khi đó, đại diện phía chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI lại cho rằng: “Việc chi trả lương thực tế của các doanh nghiệp nhiều năm qua vẫn cao hơn mức lương tối thiểu. Nếu như năm 2019 mức tăng lương tối thiểu là 5,3%, thì có đến 72,5% doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng trên 6% và 2,1% doanh nghiệp tăng 5,9%. Trong khi đó, tăng lương tối thiểu lại làm tăng các chí phí của doanh nghiệp dù doanh nghiệp đang cần cắt giảm nhiều chi phí để cạnh tranh.

Đại diện chủ sử dụng lao động cho rằng việc tăng lương tối thiểu ở mức vừa phải và để cơ hội cho các thương lượng tập thể. Việc tăng lương tối thiểu cần căn cứ vào những khả năng để doanh nghiệp phát triển. Hiện nay cứ 3 doanh nghiệp ra đời thì 2 doanh nghiệp không thể tồn tại.

Kết thúc phiên họp đầu tiên Hội đồng tiền lương quốc gia, đại diện VCCI đề xuất tăng dưới 3%. Trong khi đó, ý kiến từ bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia với đề xuất tăng 5,2%.

Đánh giá về mức đề xuất dưới 3% của VCCI, ông Lê Đình Quảng cho rằng: “Mỗi bên xuất phát từ quyền lợi của mỗi bên. Tuy nhiên, mức đề xuất này chưa bám sát được yêu cầu từ tinh thần của Nghị quyết 27/NQ-T.Ư về mức lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Trong khi đó, ở góc độ chuyên gia, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, từng nhiều năm là Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia phân tích, trên thực tế, mức thu nhập của lao động hiện nay của công nhân lao động đã tăng cao hơn cả tiền lương tối thiểu vùng. Đương nhiên, thu nhập này không đơn thuần chỉ có lương, mà đó còn thu nhập từ làm thêm giờ, từ các khoản phụ cấp khác ngoài lương. Việc tăng lương tối thiểu sẽ tác động lớn đến các bên, trong đó sẽ làm tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, công đoàn phí.

Theo dự đoán của các chuyên gia lao động, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 khó tăng cao như những năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, lương tối thiểu vẫn nên được điều chỉnh theo hướng tăng để tiệm cận với mức sống tối thiểu theo tinh thần của Nghị quyết số 27/TƯ. Mức tăng cụ thể phải trải qua các phiên đàm phán giữa các bên mới có thể xác định. Dự kiến phiên thứ hai của đàm phán của Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ diễn ra vào đầu tháng 7 tới.

XC/Báo Tin tức
Chính sách về tiền lương hài hòa với chế độ làm thêm giờ
Chính sách về tiền lương hài hòa với chế độ làm thêm giờ

Một trong những nội dung lớn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và người lao động tại dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này là việc mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm lên mức tối đa 400 giờ/năm trong một số trường hợp đặc biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN