Trước mắt, đã có 19.861 người gồm 9.933 người bán vé số lẻ và 9.928 người lao động tự do khác được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt danh sách hỗ trợ với tổng kinh phí gần 29,8 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 8/2021, Tiền Giang đã giải ngân cho 15.800 người, đạt khoảng 80% trong tổng số người được phê duyệt hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 23,7 tỷ đồng. Số còn lại đang được các ngành chức năng khẩn trương giải ngân, chi trả nhằm sớm giúp bà con khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống và chung sức phòng, chống dịch COVID-19.
UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với các địa phương, sở ngành nhằm xem xét, đề xuất mở rộng thêm các nhóm đối tượng khó khăn được nhận các gói hỗ trợ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo đánh giá, tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ tại tỉnh Tiền Giang chưa được như mong muốn, tiến độ một số nơi còn chậm. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn ra khá phức tạp, nhiều khu vực bị phong tỏa, tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, một số nơi do tình hình dịch bệnh căng thẳng nên chưa triển khai nhanh được các chính sách hỗ trợ như thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công... Đặc biệt tại thành phố Mỹ Tho, hầu hết các khu vực trên địa bàn đang bị phong tỏa nên người lao động không thể đến chính quyền địa phương để đăng ký cũng như có cán bộ phụ trách cấp xã, phường đang bị cách ly y tế đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện…
Trước tình hình trên, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh khẩn trương có văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách, giải ngân, sớm đưa các gói hỗ trợ đến tay người lao động, tạo điều kiện để bà con sớm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng đại dịch, ổn định cuộc sống trong tình hình khó khăn hiện nay.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp cùng các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc chi hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, đúng chính sách và công bằng, khách quan. Mặt khác, tích cực hướng dẫn thành phần hồ sơ thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo nguyên tắc: Đơn giản, ngắn gọn, dễ thực hiện nhưng phải đảm bảo xác định chính xác, đúng đối tượng. Sở yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, hướng dẫn người lao động đủ điều kiện đăng ký đề nghị hỗ trợ cũng như lưu ý mỗi đối tượng chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP. Trong trường hợp đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách thì chỉ giải quyết hỗ trợ theo chính sách cao nhất, không để xảy ra trùng lắp, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia...