Theo kế hoạch từ ngày 24/8 đến ngày 10/9, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp nhận hơn 2.283 tấn gạo, trong đó đợt 1 Tổng Cục dự trữ Nhà nước cấp 1.000 tấn, đợt 2 sẽ cấp hơn 1.183 tấn. Gạo sẽ được Cục dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung Bộ giao đến trung tâm các huyện, thị xã, thành phố.
Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong 2 đợt tiếp nhận gạo từ Trung ương, các huyện, thị, thành phố sẽ hỗ trợ được hơn 152 nghìn nhân khẩu, bình quân 15kg/người trong cả 2 đợt.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu, sau khi tiếp nhận gạo, các huyện, thị, thành phố khẩn trương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn cấp, phát gạo cho người dân trong vòng 2 ngày (kể cả thứ Bảy và Chủ nhật). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố giám sát việc cấp phát gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức.
Các địa phương triển khai hỗ trợ gạo cho người dân phải đảm bảo tính kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong quá trình cấp phát gạo. Các địa phương bảo đảm tuân thủ nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình tiếp nhận, cấp phát hỗ trợ gạo đến người dân gặp khó khăn.
Tính đến ngày 26/8, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã hỗ trợ 93.631 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng số tiền gần 127 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 1896/QĐ-UBND và Quyết định số 1931/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, từ các nguồn vận động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ các địa phương 413,4 tấn gạo, 15.373 thùng mì gói, gần 130 tấn rau củ quả, trái cây các loại, 260.450 khẩu trang và nhiều trang thiết bị khác.
Đến nay, các địa phương đã vận động, tiếp nhận và phân phối hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm kịp thời, cơ bản đảm bảo nhu cầu cho lực lượng tuyến đầu và nhân dân tại khu phong tỏa ở địa phương.
* UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai Quyết định phân bổ đợt 2 hơn 1.528 tấn gạo do Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp cho tỉnh từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND các huyện, thành phố được phân bổ gạo bố trí địa điểm tiếp nhận tại khu vực Trung tâm hành chính; mỗi đơn vị giao tại 1 điểm, có kho bãi tránh mưa nắng và nhân lực để nhận, phân phối gạo về các xã, phường, thị trấn; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chuẩn bị lực lượng và vật dụng để chia gạo theo số lượng 7,5kg/người.
Tùy tình hình các địa phương có thể cấp phát chung số gạo được cấp của đợt 1 (theo Quyết định 2889/QĐ-UBND ngày 24/8/2021) và đợt 2 đảm bảo số gạo cấp phát là 15 kg/người. Chủ động rà soát đối tượng thiếu đói do dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định và thủ tục hỗ trợ khi cấp phát đảm bảo tính chính xác của số liệu báo cáo.
UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát đối tượng thiếu đói do dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định và thủ tục hỗ trợ khi cấp phát; rút ngắn thời gian ở các thủ tục. Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ khẩn trương tiếp nhận, phân bổ gạo kịp thời đến đúng đối tượng được hỗ trợ trong 3 ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, tính từ ngày nhận được gạo hỗ trợ.
Đối với trường hợp không phát hết số gạo được cấp hoặc sau khi cấp phát vẫn còn khó khăn, UBND các huyện, thành phố sớm báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để kịp thời điều tiết cho các đơn vị hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung. Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố chịu trách nhiệm về công tác giao nhận, cấp phát gạo cứu trợ được phân bổ trên địa bàn.
* Ngày 27/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ xuất quân chương trình “Nông sản Đồng Tháp - san sẻ yêu thương” đưa gần 55 tấn hàng hóa (gồm: gạo, khoai, khổ qua,…) hỗ trợ nhân dân TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương vượt qua đại dịch COVID-19.
Với tổng kinh phí khoảng 800 triệu đồng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp vận động, chương trình “Nông sản Đồng Tháp - san sẻ yêu thương” mang 10 tấn gạo, gần 22 tấn nông sản các loại, 5.000 hộp cá mòi và 700 thùng hủ tiếu ăn liền gửi đến nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ người dân Bình Dương 10 tấn gạo, gần 11 tấn nông sản khác, 2.500 hộp cá mòi, 300 thùng hủ tiếu ăn liền. Qua đó, tiếp sức cho nhân dân tại hai “điểm nóng” TP Hồ Chí Minh và Bình Dương an tâm chấp hành nghiêm biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Đây là lần thứ hai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình “Nông sản Đồng Tháp - San sẻ yêu thương”. Trước đó, ngày 18/6, chương trình này đã vận chuyển khoảng 20 tấn gạo, 5 tấn khoai lang, 300 kg cá khô, 600 chai nước mắm, 1.000 trứng gà (tổng trị giá hơn 300 triệu đồng) hỗ trợ nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Cùng ngày 27/8, nhằm chia sẻ những khó khăn với nhân dân tỉnh Prâyveng (Campuchia) trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, tại Cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã trao tặng 25.000 khẩu trang y tế, 500 chai nước sát khuẩn cùng 2 tấn gạo, trị giá khoảng 80 triệu đồng hỗ trợ Ủy ban Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia tỉnh Prâyveng.
* Ngày 27/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng vận chuyển gần 60 tấn nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, sữa hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương chống dịch COVID-19.
Bà Trần Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng cho biết, để hỗ trợ thiết thực nhất tới người dân TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, Hội đã liên hệ với Hội Liên hiệp Phụ nữ hai địa phương về nhu cầu của từng nơi để hỗ trợ. Theo đó, sữa, gạo sẽ được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh, mỳ ăn liền, các loại nhu yếu phẩm khác chuyển vào Bình Dương.
Những món quà chuyển đến người dân TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương là tấm lòng của phụ nữ các cấp ở Hải Phòng và các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm. Ai cũng mong muốn góp một phần nhỏ để động viên người dân tỉnh, thành phố bạn vững vàng phòng, chống dịch. Có những người đã ủng hộ cả tấn gạo như chị Nguyễn Thị Hương, phường Phù Liễn, quận Kiến An. Có hội viên, dù điều kiện kinh tế còn eo hẹp song vẫn muốn đóng góp một chút sức lực giúp đồng bào.
Chị Tạ Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vĩnh Bảo cho biết, người dân chủ trong huyện yếu làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế còn eo hẹp nhưng khi biết có chương trình hướng về đồng bào miền Nam chống dịch, hội viên Hội Phụ nữ các cấp hăng hái tham gia tham gia, đóng góp. Ban đầu, Hội dự kiến vận động khoảng 10 tấn gạo nhưng sau đó, hội viên đã đóng góp lên tới 30 tấn. Trong số gạo nghĩa tình gửi đồng bào, có tấm lòng của những hội viên Hội Phụ nữ cao tuổi hoặc có hoàn cảnh khó khăn như cụ Nguyễn Thị Nguyên, 81 tuổi ở thị trấn Vĩnh Bảo, bà Nguyễn Thị Hựu, phụ nữ khó khăn ở xã Việt Tiến ủng hộ 5 kg gạo.
Chị Trần Ngọc Hương, Ban liên lạc Hội khóa học sinh Trường Trung học Cơ sở Hồng Bàng cho biết, nhóm đã huy động mỗi người một ít để mua nhu yếu phẩm nhưng cái khó trong thời điểm này là cách để chuyển hàng hóa đến người dân các tỉnh bạn. Khi biết Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng tiếp nhận hàng hóa, chị Hương và các bạn đã đến gửi quà, chúc đồng bào vững tâm, chiến thắng dịch bệnh để cả nước sớm trở lại cuộc sống bình thường.
* Ngày 27/8, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lễ xuất quân tiễn 20 y, bác sĩ lên đường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ 3 tỉnh Vĩnh Phúc cử Đoàn công tác hỗ trợ phòng, chống dịch ở TP Hồ Chí Minh.
Đoàn chi viện đợt này gồm có 5 bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, 12 điều dưỡng hồi sức cấp cứu, 3 kỹ thuật viên xét nghiệm.
Sau khi vào tâm dịch, toàn bộ 20 cán bộ y tế của tỉnh Vĩnh Phúc được bố trí hỗ trợ công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại lễ xuất quân, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, mỗi thành viên trong Đoàn công tác nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tối đa sức lực, trí tuệ vì nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì tính chất nguy hiểm của đợt dịch lần này, ông Nguyễn Văn Phong yêu cầu, các thành viên trong Đoàn công tác cần bình tĩnh và tuyệt đối tuân thủ quy định, quy trình về công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân. Các thành viên trong Đoàn thường xuyên giữ mối liên hệ với nhau cũng như chính quyền sở tại để bố trí công việc khoa học, hợp lý, kịp thời xử lý tình huống phát sinh.
Tất cả các y, bác sĩ, kỹ thuật viên trong đoàn đều đã được tiêm chủng 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi lên đường.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc An, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Lô, Trưởng Đoàn công tác chia sẻ, đây là nhiệm vụ cao cả mà tỉnh giao cho đội ngũ y, bác sĩ. Trước khi lên đường, cả đoàn đã được tập huấn, hướng dẫn quy trình chuyên môn, kỹ thuật và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm COVID-19 đầy đủ. Các thành viên sẽ nỗ lực hết mình cùng đồng nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh nhanh chóng khống chế được dịch bệnh.