Tiền Giang chăm lo đời sống người cao tuổi

Tỉnh Tiền Giang hiện có trên 166.000 người trong độ tuổi từ 60 trở lên (người cao tuổi), chiếm 9,56% dân số; trong đó có 213 người ở tuổi từ 100 trở lên. Tỉnh đã phát triển được gần 148.000 hội viên người cao tuổi, chiếm gần 90% tổng số người cao tuổi hiện có.

Theo ông Trần Vĩnh Hưng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, địa phương đã có nhiều biện pháp tích cực chăm lo về vật chất và tinh thần cho người cao tuổi, qua đó động viên người cao tuổi tiếp tục phát huy vai trò trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở, phong trào: “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức cho các thế hệ con cháu.

Ông Trần Vĩnh Hưng cũng cho biết, qua thống kê, trên 70.000 người cao tuổi tại địa phương (chiếm tỉ lệ 38%) đã mua bảo hiểm y tế; trong đó diện được cấp là trên 46.000 người còn lại thuộc diện bảo hiểm tự nguyện với tổng kinh phí đóng trên 2,6 tỉ đổng. Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ngưởi cao tuổi, các ngành, các cấp phối hợp tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; các trung tâm y tế các huyện, thành, thị đều tổ chức Khoa Lão khoa, bố trí hợp lý giường lưu bệnh, phòng khám tiện ích phục vụ người cao tuổi.

Nhiều bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang nhận suất cơm từ thiện.

Hàng năm, trong những dịp lễ, tết, tỉnh đều quan tâm tổ chức thăm viếng, tặng quà, giúp đỡ người cao tuổi khó khăn; đưa người cao tuổi không nơi nương tựa hoặc không có người chăm sóc đi phụng dưỡng, điều trị tập trung hoặc quản lý tại Trung tâm công tác xã hội.

Ngoài ra, Tiền Giang còn triển khai chương trình xóa nhà tạm cho người cao tuổi, qua đó đã đầu tư trên 21 tỉ đồng từ các nguồn kinh phí vận động được, cất 663 căn nhà tặng người cao tuổi có nhu cầu bức xúc về nhà ở.

Đến nay, 100% người cao tuổi tại Tiền Giang khi ốm đau đã được khám chữa bệnh, được hưởng những dịch vụ chăm sóc y tế tiện ích một cách chu đáo thông qua mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở cũng như tại hộ gia đình. 100% người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo qui định, không còn người cao tuổi phải sống trong nhà tạm bợ, dột nát. Hội Người cao tuổi tỉnh Tiền Giang đã huy động nguồn Quỹ hội được hàng chục tỉ đồng góp phần tạo kinh phí để chăm sóc, hỗ trợ hội viên cũng như người cao tuổi nói chung.

Được chăm sóc, giúp đỡ về vật chất, tinh thần để an tâm ổn định cuộc sống, người cao tuổi càng tích cực phát huy vai trò đối với công tác xã hội, hòa giải, xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở, trong gia đình và xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Người cao tuổi ở Tiền Giang đã vận động người thân, con cháu góp hàng vạn ngày công lao động nạo vét kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất, phòng chống hạn mặn và thiên tai, xây dựng nông thôn mới; gần 5.400 người cao tuổi còn sức khỏe vẫn tích cực tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở, đảm đương những nhiệm vụ trong công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nơi cư trú. Hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới, người cao tuổi trong tỉnh Tiền Giang còn hiến trên 114.000 m2 đất làm đường nông thôn, đóng góp trên 10 tỉ đồng hoàn thiện các kiến thiết hạ tầng ở nông thôn.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Cuộc thi 'Lăng kính tuổi vàng': Khi người cao tuổi thể hiện chính kiến
Cuộc thi 'Lăng kính tuổi vàng': Khi người cao tuổi thể hiện chính kiến

Cuộc thi giúp cho những người cao tuổi có cơ hội thể hiện góc nhìn, cách đánh giá thông qua lăng kính của chính bản thân về các vấn đề gia đình như quan điểm nuôi con dạy cháu, làm thế nào để vợ chồng không “xô bát xô đũa”, nên ứng xử với đồng nghiệp, những người xung quanh thế nào…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN