Tiếp tục thực hiện các giải pháp
Cách đây 1 năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất các giải pháp cải thiện hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đến nay, các giải pháp này đang tiếp tục được triển khai thực hiện.
Theo đó, về giải pháp trước mắt, UBND các tỉnh tập trung quyết liệt vào công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với toàn bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các khu xử lý rác thải, bãi chôn lấp, các nguồn thải lớn có xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tạm dừng cấp phép đầu tư cho 16 loại hình dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn, xả thải trực tiếp và không cấp phép xả nước thải mới cho các dự án có loại hình, tính chất gây ô nhiễm môi trường có xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải; không cho phép các dự án đầu tư chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Bộ ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng thu gom, tách nước mưa, nước thải sinh hoạt và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung để đến năm 2021 hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Các địa bàn ưu tiên gồm thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương); các thị trấn Bần, Yên Mỹ, Như Quỳnh (tỉnh Hưng Yên). Thành phố Hà Nội cần sớm đưa vào vận hành 3 nhà máy xử lý nước thải ở quận Long Biên để giảm ô nhiễm nước trên kênh Cầu Bây.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương nạo vét, chỉnh trang, nâng cấp, sửa chữa hệ thống đê, cống, trạm bơm và các công trình thủy lợi khác trên hệ thống Bắc Hưng Hải. Việc điều tiết nước và vận hành các trạm bơm phải có thông báo và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh; rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải theo hướng cập nhật năng lực vận hành các công trình thủy lợi, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, đặc biệt là vận hành cống Xuân Quan, nhất là vào mùa khô.
Về các giải pháp dài hạn, UBND các tỉnh không được quy hoạch các khu xử lý, bãi chôn lấp rác thải dọc hệ thống Bắc Hưng Hải và các kênh nhánh, chấm dứt ngay tình trạng thải chất thải rắn bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường; có cơ chế, chính sách huy động doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đối với làng nghề, cụm công nghiệp theo hình thức BOT, BT; xem xét huy động phí xử lý từ người dân, còn nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Ban quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải do Bộ chủ trì; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố liên quan xây dựng Quy chế về quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải, trong đó tập trung vào quy hoạch tài nguyên nước, cấp phép xả nước thải, ban hành quy chuẩn kỹ thuật chung đối với hệ thống Bắc Hưng Hải, xây dựng quy chế và cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương, đặc biệt trong việc điều tiết, vận hành, chế độ thông tin sử dụng nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá toàn diện hiện trạng, chức năng, hiệu quả sử dụng hệ thống Bắc Hưng Hải trong điều kiện hiện tại; đề xuất xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp để đảm bảo ngoài chức năng trữ nước, tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp còn đảm bảo chức năng tiếp nhận và thoát nước thải; xây dựng và triển khai dự án đầu tư trạm bơm Xuân Quan thuộc địa phận Hà Nội để điều tiết nước hệ thống Bắc Hưng Hải nhằm tạo ra dòng chảy môi trường, giúp tự làm sạch nguồn nước. Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải, số lượng và chất lượng nước tưới trên hệ thống Bắc Hưng Hải và gửi kết quả cho các tỉnh để đảm bảo khai thác, sử dụng nguồn nước chung, đồng thời cảnh báo, giảm thiểu ảnh hưởng do ô nhiễm.
Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp này đến đâu, thực tiễn vẫn chưa có câu trả lời.
Thiếu hiệu quả trong quản lý
Theo Tổng Cục Môi trường, tình trạng ô nhiễm nước tại các công trình, hệ thống thủy lợi hiện nay đang trở thành vấn đề báo động và cho thấy sự thiếu hiệu quả trong việc quản lý, bảo vệ môi trường nước đối với các đối tượng này. Hiện nay, việc cấp phép và quản lý thực hiện giấy phép xả thải vào nguồn nước đang có sự phối hợp chưa đồng bộ.
Hàng năm, Tổng cục Môi trường thanh tra, kiểm tra hoạt động xả thải, năm 2020, tại hệ thống Bắc Hưng Hải, Tổng cục Môi trường đã thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 3 cơ sở và kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đối với 12 cơ sở có hoạt động xả thải ra hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải.
Đến nay, Tổng cục đã lập 1 biên bản vi phạm hành chính, ban hành một quyết định xử phạt 133 triệu đồng. Thời gian tới, Tổng cục Môi trường tiếp tục thu thập hồ sơ, tài liệu và xử lý đối với các cơ sở được thanh tra trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp lén lút, xả thải không có quy luật để trốn tránh cơ quan quản lý vẫn còn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gây ô nhiễm kéo dài nhưng kết quả quan trắc, phân tích mẫu nước mà một số thông số ô nhiễm không vượt quy định theo Nghị định 155 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sẽ không thể đình chỉ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Theo quy định, hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra định kỳ doanh nghiệp 2 lần/năm nhưng với những doanh nghiệp chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý, sai phạm lặp đi lặp lại mà tỉnh chỉ xử phạt hành chính. Điều này chưa đủ sức nặng răn đe các doanh nghiệp vi phạm. Việc lắp đặt camera giám sát ở một số đơn vị quản lý nhưng không được đầu tư, quan tâm đúng mức nên hiệu quả cũng không cao.
Bước đầu tháo gỡ từ Luật sửa đổi
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có tác dụng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp khi bỏ bớt giấy phép đối với việc xả nước thải vào nguồn nước và xả nước thải vào công trình thủy lợi. Việc tích hợp các giấy phép nói trên thành giấy phép môi trường sẽ bảo đảm sự thống nhất, không làm xáo trộn công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, thực tế một doanh nghiệp có hoạt động xả nước thải, đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, trong đó có công trình xử lý nước thải thì có nghĩa là Nhà nước đã cho phép doanh nghiệp được xả thải. Vì vậy, việc quy định doanh nghiệp đó phải tiếp tục đi xin giấy phép xả nước thải vào nguồn nước hoặc xả nước thải vào công trình thủy lợi là không cần thiết, gây ra tình trạng một đối tượng là nước thải phải chịu 2 quy định quản lý giống nhau, đều dựa vào các quy định, quy chuẩn về bảo vệ môi trường.
Việc quy định giấy phép môi trường sẽ bảo đảm thống nhất nguyên tắc quản lý tổng hợp về tài nguyên nước. Trên thực tế, công trình thủy lợi chỉ là một bộ phận của mạng lưới tài nguyên nước cũng như lưu vực sông, hồ và việc xả nước thải vào công trình thủy lợi cũng là xả nước thải ra môi trường. Các nguồn nước thải xả vào công trình thủy lợi chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các nguồn xả vào môi trường nước nói chung. Vì vậy, việc phân mảng như hiện nay là không phù hợp với cách tiếp cận quản lý tổng hợp môi trường nước mà đa số các quốc gia trên thế giới đang sử dụng.
Về cơ chế phối hợp, Luật sửa đổi cũng quy định sự tham gia của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường đối với các dự án xả nước thải vào công trình thủy lợi, đảm bảo sự đồng bộ giữa các yêu cầu về bảo vệ môi trường với bảo vệ chất lượng nguồn nước công trình thủy lợi. Theo đó, Hội đồng thẩm định phải có đại diện và lấy ý kiến đồng thuận của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi, cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường.