uy nhiên, các cơ quan ban ngành cho rằng người dân không nên lạm dụng hay quá tin vào các sản phẩm này.
Bảo bối" của bà nội trợ
Các loại dụng cụ thử sản phẩm sạch được rao bán rầm rộ trên các trang mạng có thể ở dạng kít thử hay máy cầm tay nhỏ gọn được bán với mức giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Hiện nay, nhiều bà nội trợ sử dụng thiết bị này và coi đó là " bảo bối" để bảo vệ gia đình mình. Chị Trần Thị Thúy Điểm chia sẻ: "Với vai trò là người nội trợ của gia đình, tôi thực sự lo lắng, không biết thực phẩm tại các siêu thị, chợ… có an toàn hay không nên gia đình tôi đầu tư hẳn một máy đo thực phẩm an toàn với giá 5,6 triệu đồng. Máy này được rao bán trên mạng, thực sự không biết nó có chính xác 100% không nhưng nó cũng giúp mình yên tâm hơn khi dùng thực phẩm".
Theo hướng dẫn của chị Nga, chúng tôi gọi đến một trang web chuyên bán dụng cụ thử nhanh các loại thực phẩm. Một nhân viên ở đây cho biết: "Công ty đang có dòng máy kiểm tra thực phẩm một cách nhanh nhất, máy này được nhập khẩu từ Nga, tùy vào chức năng mà có giá dao động từ 4,5 - 6,8 triệu đồng. Loại máy này sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết các loại thịt cá ôi thiu đã được tẩm hóa chất để trở thành thịt cá tươi với độ sai biệt nhỏ hơn 5%".
Không chỉ có máy đo, hiện nay trên thị trường còn có một bộ kít có khả năng phát hiện nhanh thực phẩm có chứa hàn the, nitrat và các chất độc hại khác. Bộ kít này có giá dao động từ 100.000 - 500.000 đồng. Nếu mua trọn bộ với 11 chức năng như kiểm tra lượng thuốc trừ sâu, kiểm tra dầu mỡ ôi thiu, hàn the, nitrit, nitrat... thì giá là 11 triệu đồng/bộ. Bộ kít này được sản xuất trong nước.
Người tiêu dùng cần thận trọng
Theo ông Hoàng Lâm, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, để một thiết bị đo có thể cho kết quả có độ tin cậy chấp nhận được, đòi hỏi nhiều điều kiện như về chỉ tiêu cần xác định, ngưỡng phát hiện thích hợp, điều kiện duy trì khả năng đo lường, được kiểm tra hiệu chuẩn định kỳ, được đánh giá xem xét có cơ sở khoa học và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận.
Đánh giá về các thiết bị đo an toàn thực phẩm, ông Hoàng Lâm cho rằng: “Hầu hết các thiết bị được rao bán trên mạng đều không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các thông tin cung cấp kèm theo tính năng kỹ thuật đều thiếu cơ sở khoa học. Nhiều nhà cung cấp còn kèm theo kết quả thử nghiệm hay chứng nhận để thuyết phục người tiêu dùng; tuy nhiên, các kết quả này phần lớn không có giá trị xác nhận khả năng phát hiện hay xử lý độc tố của thiết bị, do chỉ là kết quả thử nghiệm trên mẫu thiết bị trong điều kiện cụ thể chưa đầy đủ tính khoa học, khả năng phát hiện độc tố và độ tin cậy như được quảng cáo còn nhiều dấu hỏi và chưa được kiểm chứng. Cho đến nay, theo chúng tôi được biết thì chưa có loại thiết bị nào được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận. Vì vậy, tốt hơn hết người tiêu dùng cần thận trọng trong việc quyết định mua các loại thiết bị này, để tránh tốn kém”.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý An toàn thực phẩm, Chi cục Bảo vệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: Thiết bị kiểm tra nhanh chỉ được lưu hành khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành theo quy định tại Thông tư số 11/2014/TT- BYT ngày 18/3/2014 của Bộ Y tế. Kết quả kiểm tra nhanh chỉ được dùng để định hướng cho các thử nghiệm tiếp theo trong phòng thử nghiệm, không sử dụng để đánh giá, kết luận sản phẩm có an toàn hay không. Đồng thời, mỗi thiết bị kiểm tra nhanh chỉ kiểm được 1 chỉ tiêu hoặc 1 nhóm chỉ tiêu, trong khi chỉ tiêu về an toàn thực phẩm có nhiều nhóm chỉ tiêu khác nhau như thuốc bảo vệ thực vật , Nitrate, vi sinh vật, kim loại nặng...
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình, các cơ quan chức năng khuyến cáo: Người tiêu dùng cần chọn mua sản phẩm rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy sản tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các sạp trong chợ truyền thống có địa chỉ cụ thể có sự kiểm soát của Ban quản lý và cơ quan chuyên môn, không nên mua sản phẩm không rõ nguồn gốc tại các chợ tự phát, chợ lòng lề đường.