Mạnh tay với thực phẩm "bẩn"

Tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian gần đây đã ở mức báo động, gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài cho sức khỏe người dân. Mức phạt cho các hành vi vi phạm đã được nâng lên và sắp có hiệu lực thi hành.

Tâm lý bất an vì thực phẩm bẩn

Chưa bao giờ người tiêu dùng lại phải “nơm nớp” lo sợ đối với việc ăn uống hàng ngày khi mà liên tiếp các vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm được các cơ quan chức năng phát hiện. Theo đó, ngày 20/4 vừa qua, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 80 con lợn dương tính với chất cấm salbutamol khi đang chuẩn bị đưa vào cơ sở giết mổ của công ty Vissan. Ngày 14/5, các cơ quan chức năng lại phát hiện 623 con lợn bị thương lái bơm nước và tiêm chất acepromazine (thuốc an thần). Tiếp theo, ngày 31/5, Chi cục Thú y lại tiếp tục lưu giữ 325 con lợn có dấu hiệu bơm nước trước khi vận chuyển về thành phố giết mổ. Đây là những vụ việc lớn, còn việc cơ quan chức năng bắt được các lô thịt ôi, bốc mùi… được vận chuyển nhỏ lẻ vào thành phố tiêu thụ thì diễn ra thường xuyên hơn.

Thu giữ những con lợn có chứa chất cấm chuẩn bị đưa vào TP Hồ Chí Minh.

Thực phẩm “bẩn” đã gây ra tâm lí hoang mang cho người dân và đẩy họ vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi đắn đo không biết lựa chọn thực phẩm nào để ăn mà không phập phồng lo sợ. Theo chị Nguyễn Thị Hạnh (ngụ ở quận Bình Thạnh), mấy tháng gần đây chị thấy rất vất vả, khó khăn khi xách giỏ đi chợ mua thức ăn hàng ngày cho gia đình. “Bây giờ xách giỏ đi chợ là tôi thấy sợ, bởi ăn cái gì cũng có cảm giác độc hại cho sức khỏe. Muốn mua rau xanh thì sợ rau có dư lượng thuốc trừ sâu; muốn mua thịt lợn thì sợ thịt lợn có chất tạo nạc, tiêm thuốc an thần; mua cá biển thì sợ cá có ngâm hóa chất, bị nhiễm độc… Có hôm tôi xách giỏi ra chợ, lòng vòng cả tiếng đồng hồ cuối cùng vẫn không mua được gì”, chị Hạnh cho biết.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập một cơ quan chuyên trách về an toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc UBND TP để tăng cường công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục Phó Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của người dân thành phố ở mức rất cao, trong khi đó nguồn thực phẩm được sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân. Đây chính là cơ hội lớn cho các loại thực phẩm “bẩn”, kém chất lượng được “tuồn” vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. “Bình quân mỗi ngày người dân thành phố tiêu thụ khoảng 850 - 900 con trâu bò, 9.000-10.000 con lợn, 120.000-130.000 con gia cầm và khoảng 200 tấn thịt gà, thịt trâu bò và phụ phẩm đông lạnh nhập khẩu. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi thành phố chỉ đáp ứng khoảng 18 - 20% nhu cầu tiêu thụ của người dân”, ông Phát cho biết. Ông Huỳnh Tấn Phát cũng thừa nhận, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về việc kiểm soát giết mổ tập trung, tuy nhiên thực trạng giết mổ trái phép vẫn còn tồn tại tại một số địa bàn các quận, huyện ngoại thành như Gò Vấp, quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi…

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh, nguồn sản xuất rau tại chỗ của thành phố chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu của người dân, còn lại hầu hết phải nhập từ các tỉnh thành khác về nên công tác kiểm soát vẫn còn khó khăn.

Xử lý chưa mang tính răn đe

Mặc dù cơ quan chức năng phát hiện các chủ trang trại chăn nuôi vi phạm khi lợn có chứa chất tạo nạc vượt mức cho phép; bơm nước, thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ... gây nguy hiểm tính mạng cho người sử dụng, nhưng việc xử lý đối với những hành vi này mới chỉ dừng ở mức độ phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay còn nhiều khó khăn do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, chưa thống nhất và xử lý quá “nhẹ tay”.

Chẳng hạn vụ phát hiện 623 con lợn có dấu hiệu bơm nước bẩn và thuốc an thần trước khi giết mổ, khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì không thể tiêu hủy mà được “giam” lại 7 ngày, sau đó lại trả về cho chủ để đưa vào lò giết mổ. Theo ông Huỳnh Tấn Phát, việc lợn bị bơm nước ngoài mục đích gian lận thương mại còn có nguy cơ thịt bị nhiễm khuẩn từ nguồn nước bẩn khi bơm vào; đồng thời việc tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ có nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, do pháp luật đã quy định chủ hàng được phép giết mổ sau một tuần tạm giữ nên dù ngành chức năng có muốn tiêu hủy hay xử nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự chủ hàng cũng không được.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh: Kiểm soát chặt khâu lưu thông 

Để ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, ngoài việc tăng cường kiểm tra thường xuyên, Chi cục còn mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra xử lý vi phạm ở các ngành hàng thực phẩm. Theo đó, Chi cục quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác thành lập đoàn liên ngành có ngành công an, y tế… để tăng hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong khâu lưu thông. Nhờ biện pháp này mới phát huy được thế mạnh, trách nhiệm của các cơ quan ví dụ như ngành công an giúp trấn áp đối tượng chống đối, dừng phương tiện có dấu hiệu vi phạm, ngành y tế giúp phân tích, giám định mẫu làm cơ sở xử lý các vi phạm. 

Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam: Quản lý bằng một đầu mối 

Ở các nước phát triển như Mỹ, Đức… mô hình kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện khá tốt, mỗi thành phố có một trung tâm kiểm nghiệm. Các trung tâm đều có đầy đủ máy móc, trang thiết bị hiện đại. Mỗi nước chỉ có một phòng kiểm chuẩn duy nhất được coi như cơ quan chuyên môn tin cậy xác nhận về độ an toàn của thực phẩm sau khi kiểm định. Tuy nhiên, ở TP Hồ Chí Minh hiện nay có nhiều phòng xét nghiệm, kiểm định về độ an toàn thực phẩm nhưng mạnh ai nấy làm, mỗi nơi làm mỗi kiểu và kết quả cũng khác nhau. Vì vậy, đã đến lúc thành phố nên tập trung quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm về một đầu mối để tăng tính hiệu quả trong việc ngăn chặn thực phẩm “bẩn”.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết- Đan Phương
Xử lý thực phẩm bẩn: Không thể "bắt cóc bỏ đĩa"
Xử lý thực phẩm bẩn: Không thể "bắt cóc bỏ đĩa"

Chưa khi nào việc “ăn gì, uống gì” lại “nóng” như hiện nay và vấn đề an toàn thực phẩm đã vào nghị trường Quốc hội cho tới câu chuyện hàng ngày của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN