Nóng tuần qua:

Thủ tướng gửi thư kêu gọi cộng đồng người Việt ở nước ngoài; Hà Nội gỡ lệnh phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai

Tuần qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài kêu gọi chung sức phòng chống dịch; Hà Nội gỡ lệnh phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/4; tình trạng lơ là, chủ quan của người dân trước dịch bệnh và xử phạt Luật sư Lê Văn Thiệp vì đăng tải thông tin xúc phạm phóng viên TTXVN... là nhưng thông tin được dư luận quan tâm.

Thư của Thủ tướng Chính phủ gửi tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa gửi thư tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kêu gọi đồng bào tiếp tục đồng lòng, chung sức, sát cánh cùng đất nước và nhân dân trong nước tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

“Thân ái gửi bà con Việt Nam ở nước ngoài.

COVID-19 là đại dịch nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh trên toàn cầu và diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Đảng, Nhà nước ta đã có những chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ, kiên quyết nhiều giải pháp phòng chống dịch ngay từ sớm và áp dụng mức độ cao hơn so với các khuyến cáo của WHO. Việt Nam đang kiểm soát được tình hình, đạt những kết quả tích cực bước đầu với 50% số lượng người nhiễm được chữa khỏi bệnh và đặc biệt là chưa có trường hợp nào tử vong, được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đạt được những kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, các đoàn thể…, cũng như sự đoàn kết, đồng lòng chung tay hành động của toàn dân tộc, trong đó có những đóng góp, ủng hộ hết sức quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi đánh giá cao sự ủng hộ, chia sẻ quý báu, thiết thực cả về vật chất, tinh thần của bà con đối với công tác phòng chống dịch ở trong nước thời gian qua.

Tôi trân trọng tinh thần đoàn kết, nhân ái, tương trợ, giúp đỡ quý báu đó, đồng thời biểu dương nỗ lực của kiều bào, người lao động, sinh viên, học sinh Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập ở các quốc gia vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, tuân thủ quy định của nước sở tại để bảo vệ mình và cộng đồng. Những hành động đó thể hiện truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, nhân nghĩa và tinh thần vượt khó của dân tộc ta, nhân dân ta.

Tôi hoan nghênh các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ta ở nước ngoài yên tâm ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn này.

Tôi đề nghị các Cơ quan đại diện tiếp tục nỗ lực, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, hợp tác với các cơ quan hữu quan nước sở tại, bảo đảm quyền lợi, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh cho cộng đồng người Việt Nam ở sở tại. Đồng thời, khẳng định tinh thần tích cực và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, tiếp tục nỗ lực phối hợp hành động và chia sẻ khó khăn với tất cả các nước để sớm giành thắng lợi trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

Bà con thân mến,

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19!”. Thực hiện Lời kêu gọi này, với truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, tôi kêu gọi đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục đồng lòng, chung sức, sát cánh cùng đất nước và nhân dân trong nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh; nâng cao trách nhiệm, đề cao tinh thần tự bảo vệ mình chính là bảo vệ gia đình và xã hội; nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch và các quy định của các nước sở tại, nhất là giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 còn nhiều vất vả, khó khăn phía trước, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của tất cả chúng ta, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Với những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch đến nay, cùng với sự đồng lòng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng dịch bệnh”.

Chúc bà con đoàn kết, sức khoẻ và thành công.

Nhiều người dân lơ là, chủ quan với dịch COVID-19

Chưa hết thời gian giãn cách xã hội, nhưng những ngày qua, trên nhiều tuyến phố Hà Nội, hình ảnh Thủ đô tĩnh lặng đã gần như biến mất. Nhiều người dân đã sớm chủ quan, vội vàng từ bỏ nỗ lực "ở yên trong nhà", lặp lại cuộc sống đời thường, bất chấp những nỗi lo từ dịch bệnh vẫn rất phức tạp, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Trong số vô vàn các lý do để người dân tự ý ra đường trong thời điểm này, lý do hàng đầu là chủ quan trước thông tin số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng giảm và nhiều người được điều trị khỏi. Bên cạnh đó là sự bí bách, nhàm chán vì phải ở trong nhà lâu ngày.

Chú thích ảnh
Người dân chủ quan không đeo khẩu trang và tập trung đông người. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng chống dịch COVID-19.

Nhất là các hành vi vi phạm không chấp hành biện pháp phòng chống dịch. Chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch. Đưa tin sai không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội. Tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng. Sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường...

Các trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự. Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành điều tra, xem xét, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự.

Các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình và kết quả thực hiện, gửi Bộ Y tế trước ngày 15/4/2020 và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/4/2020.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã yêu cầu các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những cửa hàng bán hàng không thiết yếu, những người ra đường không đeo khẩu trang… Theo Chủ tịch UBND thành phố, tình trạng này tiếp diễn, rất dễ rơi vào trường hợp như của Singapore, đến nay họ phải thiết quân luật. Sự chủ quan của người dân là nguy cơ tiềm ẩn lớn sự bùng phát dịch bệnh trở lại.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn 3 với chiến lược phòng chống là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị, tích cực điều trị, hạn chế tử vong. Thế nên, biện pháp quan trọng là kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Cách ly xã hội được coi là giải pháp căn cơ, quan trọng thời điểm này.

Gỡ lệnh phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đồng ý với đề xuất của ông Võ Nguyên Phong, Chủ tịch UBND quận Đống Đa về việc cho phép gỡ bỏ lệnh phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 12/4.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Theo ông Võ Nguyên Phong, đến ngày 9/4, có 397 nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai được về nhà, nhưng vẫn tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe theo quy định. Đến chủ nhật 12/4, Bệnh viện Bạch Mai đã đủ 14 ngày cách ly. Trên cơ sở thực tiễn và đề nghị của bệnh viện, quận đề xuất xin gỡ bỏ phong tỏa để Bệnh viện tiếp tục khám chữa bệnh bình thường.

Đồng ý gỡ lệnh phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai, nhưng Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu bệnh viện quán triệt việc kiểm soát chặt chẽ người ra vào đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Xử phạt Luật sư Lê Văn Thiệp vì đăng tải thông tin xúc phạm phóng viên

Ngày 10/4, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông Lưu Đình Phúc đã ký Quyết định số 42/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Thiệp, sinh năm 1973, nghề nghiệp Luật sư, vì hành vi cung cấp, truyền đưa, sử dụng thông tin tại tài khoản facebook Lê Văn Thiệp để xúc phạm uy tín, danh dự của một phóng viên. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Chú thích ảnh
Quyết định xử phạt ông Lê Văn Thiệp.

Hình thức xử phạt đối với ông Lê Văn Thiệp là 8 triệu đồng. Đồng thời, ông Lê Văn Thiệp phải khắc phục các sai phạm theo các quy định pháp luật tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018 ngày 1/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả từ ngày 10/4/2020.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã đề nghị Luật sư Lê Văn Thiệp cải chính, xin lỗi công khai để đảm bảo danh dự, uy tín của phóng viên, cũng như ổn định tình hình an ninh trật tự nói chung trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và cả nước đang chung sức phòng chống đại dịch này.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Nóng tuần qua: Công bố dịch COVID-9, giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc
Nóng tuần qua: Công bố dịch COVID-9, giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc

Trong tuần qua, Việt Nam tập trung nỗ lực cao nhất để phòng dịch COVID-19. Thông tin đáng chú ý là việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch COVID-19 trên quy mô toàn quốc; Giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 1/4 và các địa phương thực hiện quyết liệt việc nhắc nhở người dân không ra đường nếu không cần thiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN