Cấm tụ tập trên 20 người, tạm đóng cửa các dịch vụ không cần thiết
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong 2 tuần tới, chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp và các sự kiện có trên 20 người.
Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 0 giờ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4/2020:
Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.
Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.
Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Khẩn trương rà soát, yêu cầu thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, sàng lọc đối với các trường hợp đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 8/3/2020 không thuộc diện cách ly tập trung để áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát phù hợp.
Tiếp tục kiểm soát chặt mọi trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới trên bộ (nhất là biên giới với Lào, Campuchia), đường thủy, đường biển, các cảng hàng không. Tăng cường năng lực cả về nhân lực, cơ sở vật chất bảo đảm cách ly tập trung đối với mọi trường hợp nhập cảnh; chú trọng việc bảo đảm an toàn cho các lực lượng quản lý nhập cảnh, làm việc tại các cửa khẩu, các khu cách ly tập trung và các cơ sở cách ly dân sự khác. Có phương án điều tiết hợp lý việc tiếp nhận, phân loại sàng lọc người nhập cảnh bảo đảm không quá tải các cơ sở cách ly tập trung trên tuyến biên giới đường bộ….
Tập trung dập dịch tại Bệnh viện Bạch Mai
Tập trung lực lượng của Bệnh viện (BV) Bạch Mai, TP. Hà Nội, Bộ Y tế để dập bằng được ổ dịch tại đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong những ngày tới. Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP. Hà Nội, BV Bạch Mai và các chuyên gia để triển khai công tác phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc dập các ổ dịch có tính quyết định khi dịch đã lây lan vào cộng đồng. Chúng ta đã làm tốt với ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), ổ dịch ở Bình Thuận và chuyến bay VN0054… Hiện có hai ổ dịch cần đặc biệt lưu ý là quán bar Buddah TP Hồ Chí Minh và BV Bạch Mai.
BV Bạch Mai là BV tuyến cuối, mỗi ngày có hàng chục nghìn người qua lại và trong những ngày qua UBND TP Hà Nội đã rất chủ động, tích cực, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chỉ đạo BV Bạch Mai thực hiện các biện pháp cần thiết. Tới đây, nhất định chúng ta phải quyết liệt hơn, lên danh sách toàn bộ những người đã đến BV Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay và tỉnh thành nào có bệnh nhân đều phải vào cuộc quyết liệt chứ không chỉ TP. Hà Nội. Các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để dập bằng được ổ dịch này.
“Chúng ta phải khẩn trương triển khai quyết liệt để rà soát các trường hợp đi, đến BV Bạch Mai (có nguy cơ mắc bệnh) để khoanh vùng, cách ly y tế,… tránh để lây nhiễm rộng ra cộng đồng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam tạm thời không di chuyển về nước
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam trong thời điểm hiện nay tạm thời không di chuyển và không về Việt Nam, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của sở tại.
Nhằm phòng, chống dịch COVID-19, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc dừng xuất nhập cảnh, không cho quá cảnh, nhiều hãng hàng không đã dừng, huỷ các chuyến bay. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam đã nỗ lực hết sức để hỗ trợ công dân Việt Nam bị “kẹt” khi quá cảnh tại các sân bay quốc tế nước ngoài nhưng không thể giải quyết hết các vướng mắc trong mọi trường hợp.
Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam trong thời điểm hiện nay tạm thời không di chuyển và không về Việt Nam, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của sở tại. Trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển, các công dân cần thường xuyên kiểm tra, cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi. Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ cần thiết hoặc các quốc gia, vùng lãnh thổ, các hãng hàng không bất ngờ thay đổi quy định, công dân sẽ bị “kẹt” tại các sân bay quốc tế nước ngoài.
Công dân Việt Nam ở nước ngoài cần thực hiện thủ tục đăng ký công dân với cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại để nhận được các thông tin cần thiết, trong đó, bao gồm thông tin về các chuyến bay thương mại từ nước sở tại về Việt Nam; không truyền tải các thông tin không chính thức về việc tổ chức các chuyến bay thuê bao khi chưa có thông báo chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong nước.
Công dân Việt Nam về nước phải tuân thủ quy trình kiểm tra y tế và thực hiện cách ly theo quy định. Trong bối cảnh các cơ sở cách ly tập trung khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã quá tải, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các hãng hàng không tạm dừng vận chuyển hành khách các đường bay quốc tế tới sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.