Thủ khoa và thanh niên khuyết tật “cùng hòa nhịp con tim”

“Bất ngờ”, “cảm phục”, “xúc động” là những từ được nói đến nhiều nhất khi hỏi bất kỳ bạn thủ khoa nào tham dự buổi giao lưu mang tên “Cùng hòa nhịp con tim” giữa 112 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện trên địa bàn Hà Nội với 60 bạn trẻ khuyết tật diễn ra sáng nay (20/8).

Không khoảng cách

“Tôi muốn làm một thứ cỏ cây, vui trong gió và không ưu phiền. Tôi muốn mọi người biết thương nhau, không oán ghét, không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau. Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu…”. khi chàng trai khiếm thị Khúc Hải Vân ngẫu hứng cất tiếng hát không cần nhạc công đệm đàn, tiếng vỗ tay vang dội òa vỡ, phá tan sự e ngại giữa những bạn trẻ lần đầu tiên gặp nhau trong buổi giao lưu giữa thủ khoa và thanh niên khuyết tật. Không chỉ đơn ca bài “Tôi muốn”, Vân còn hát cùng hai nữ thủ khoa khác bài “Mong ước kỷ niệm xưa” và cùng các bạn trẻ bài “Cùng hòa nhịp con tim”.

Khúc Hải Vân (thứ 2 từ trái sang) đang say sưa thể hiện ca khúc "Mong ước kỷ niệm xưa" cùng các bạn thủ khoa


Hải Vân là hiệp sĩ công nghệ thông tin năm 2006. Với giọng hát truyền cảm, lối nói chuyện hài hước, sự sôi nổi, Vân đã thực sự hâm nóng cho buổi giao lưu.  Hải Vân hiện đang làm việc cho dự án sản xuất “sách nói” cùng với những đồng nghiệp tại trung tâm tin học Tia sáng, làm các sản phẩm audio giúp cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Gặp các thủ khoa, Vân “rất mong muốn các bạn có nhiều ý tưởng thiết thực được đưa vào cuộc sống. Điều này không những có ý nghĩa với chính các bạn mà còn rất có ích cho cộng đồng”. Nhân cơ hội đặc biệt này, Vân tranh thủ đọc địa chỉ email để những ai có cùng hứng thú về lĩnh vực phần mềm thì liên hệ với Vân. “Mình sẽ chia sẻ tất cả những gì mình biết. Còn những gì mình không biết, mình sẽ hỏi lại các bạn”- Vân cười.

Nụ cười thường trực, điệu bộ nhún nhảy và tiếng hát khỏe khoắn cùng chia sẻ về công việc của của Hải Vân và nhiều bạn khuyết tật đã làm bạn Nguyễn Trọng Nhật Quang, thủ khoa Đại học Bách Khoa Hà Nội thực sự xúc động. “Đây là lần đầu tiên em trực tiếp được gặp những bạn khuyết tật giỏi như thế. Có lẽ lâu nay, em đã chú tâm vào học nhiều quá mà đôi khi quên mất ở ngoài đời, xung quanh mình có nhiều tấm gương lớn như vậy”- Quang nói. Cảm nhận về chính các bạn khuyết tật, Hoàng thấy “những cố gắng của mình còn quá nhỏ bé. Mình quá đầy đủ, trong khi họ còn thiếu thốn quá nhiều. Em nghĩ, mình cần vẽ được 1 vòng tròn lớn hơn để giúp đỡ được nhiều người hơn. Em phải học giỏi hơn nữa”.

Tiếng đàn, hát, tiếng vỗ tay, những lời giới thiệu làm quen hóm hỉnh và nhiều nhất là âm thanh tếng cười liên hồi tràn ngập hội trường xuyên suốt thời gian chuyện trò đã át đi cái lạnh do cơn mưa dầm đầu thu Hà Nội. Trịnh Công Thanh- Chủ tịch Hội thanh niên khuyết tật thành phố Hà Nội- không nghĩ cuộc giao lưu sẽ sôi nổi như thế. “Trước khi đến đây, tôi vẫn nghĩ giữa người khuyết tật và người không khuyết tật, dẫu sao vẫn còn khoảng cách. Nhưng khi tới đây, tôi đã cảm nhận hoàn toàn khác”- Thanh nói.

Tiếp thêm nghị lực cho nhau

Những chiếc micro được chuyền khắp hội trường. Ai cũng muốn góp tiếng nói vào diễn đàn. Bạn Đào Thu Hương- cô gái Hà Nội có giọng nói trong trẻo, nụ cười nhẹ nhàng nổi bật với chiếc áo phông màu cam so với màu áo xanh đồng phục của các bạn thủ khoa bên cạnh- là cựu thủ khoa ngành sư phạm tiếng Anh (Đại học sư phạm Hà Nội) năm 2010. Sau khi nhận danh hiệu thủ khoa, Hương đã đi làm biên dịch, phiên dịch và dạy thêm tiếng Anh cho các em nhỏ. “Công việc ý nghĩa nhất Hương đang làm là soạn giáo trình cho công việc trực điện thoại của người khiếm thính”- Hương nói. Cũng trong 1 năm qua, Hương đã dành được suất học bổng đi du học tại Nhật Bản. Hương trở thành niềm tự hào của giới trẻ Việt Nam khi trở thành 1 trong 7 bạn trẻ châu Á có được vinh dự này. Hương dự định trong quá trình du học sẽ vẫn tiếp tục dạy tiếng Anh online cho các em nhỏ.

Đào Thu Hương- cô gái khiếm thị là cựu thủ khoa 2010: "Các tân thủ khoa đã tiếp thêm nghị lực để tôi phấn đấu trong chặng đường sắp tới"


Nhiều ánh mắt cảm phục đã hướng về Hương. Hà Linh, cô thủ khoa Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Nga đã phải thốt lên: “Với chúng em, việc học ngoại ngữ đã khó khăn rồi. Với người khiếm thị thì khó khăn này càng nhân lên gấp nhiều lần. Thế mà chị Hương đã học giỏi. Em vô cùng khâm phục!”. Tuy vậy, đáp lại tình cảm mà các thủ khoa dành cho mình, Đào Thu Hương lại rất thành thực bày tỏ cảm nghĩ khi đến với buổi giao lưu đặc biệt này: “Các tân thủ khoa đã tiếp thêm nghị lực cho tôi phấn đấu trong chặng đường sắp tới”.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ngồi cạnh nhau, Đào Thu Hương và Trương Hải Hà- thủ khoa sư phạm tiếng Anh của Đại học Quốc gia Hà Nội- đã hoàn thành một bức tranh xinh xắn. “Cảm ơn bạn Hải Hà đã giúp tôi hiện thực hóa ý tưởng về bức tranh. Trong tranh là một cô giáo đang sử dụng máy tinh giảng dạy tiếng Anh cho học sinh bình thường trong một môi trường hòa nhập. Đó cũng chính là mơ ước của tôi”- Hương giải thích. Kết quả của một hợp tác đầy ngẫu hứng của hai cô thủ khoa đã đón nhận được những tràng vỗ tay không ngớt.

Bất ngờ, xúc động và khâm phục trước nghị lực và những thành công của các bạn khuyết tật là cảm xúc và suy nghĩ chung của hơn 112 bạn thủ khoa tham dự buổi giao lưu này. “Lòng lạc quan của những bạn trẻ khuyết tật và những gì các bạn làm được thật đáng khâm phục”- Phạm Minh Giang, thủ khoa Đại học Y Hà Nội nói. Còn với Đặng Trúc Quỳnh, thủ khoa Đại học Y Hà Nội (Khoa y học cổ truyền), thì “qua hôm nay, thủ khoa chúng em hiểu hơn về những thanh niên khuyết tật. Chúng em học hỏi được từ các bạn ấy tinh thần, thái độ sống”.

Bức tranh vẽ chung của Đào Thu Hương với bạn Trương Hải Hà, những cái nắm tay trao nhau của các bạn trẻ và nhiều món quà các thủ khoa gửi tới các thanh niên khuyết tật cuối buổi giao lưu là những kỷ niệm đẹp với mỗi người. Hơn thế, tất cả như nói lên một lời hứa cam kết của các bạn trẻ tài năng cùng nhau phấn đấu để giúp cho con đường hòa nhâp của người khuyết tật với cộng đồng được rút ngắn hơn.

Bài và ảnh: Mạnh Minh

Thủ khoa ghi danh sổ vàng
Thủ khoa ghi danh sổ vàng

Chiều nay (20/8), sân nhà Thái học (Văn Miếu Quốc Tử Giám-, Hà Nội- trường Đại học đầu tiên của của nước nhà chứng kiến một sự kiện đặc biệt: Lễ dâng hương, ghi danh sổ vàng của 112 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN