Giáo sư Ngô Bảo Châu “thắp sáng ước mơ thủ khoa”

“Cảm giác thất bại trong quá trình lao động là tương đối thường xuyên” nhưng “Khi gian nan, chúng ta phải ý thức được là mình đang chuẩn bị cho cơ hội để thành công”… đó là hai trong số những lời tâm huyết mà Giáo sư (GS) toán học Ngô Bảo Châu đã chia sẻ với 112 thủ khoa trong cuộc giao lưu “Thắp sáng ước mơ thủ khoa” vào chiều 20/8 diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đây là sự kiện được mong chờ nhất trong chuỗi hoạt động gặp mặt và tuyên dương thủ khoa Hà Nội 2011 .

Anh Châu trải lòng về niềm đam mê khoa học

GS Ngô Bảo Châu cười hiền lành, bước từ dãy ghế “khán giả” lên vị trí trang trọng dành cho các khách mời đến với buổi giao lưu trong nhiều tiếng reo vui, vỗ tay của 112 thủ khoa trong ngôi nhà Thái học của Văn Miếu là một hình ảnh thật sự khó quên.

Giáo sư Ngô Bảo Châu chụp ảnh lưu niệm với thủ khoa xuất sắc 2011


Có lẽ, sự giản dị của Ngô Bảo Châu đã giúp các bạn thủ khoa thấy dễ gần hơn với “thần tượng”, khi đặt câu hỏi giao lưu, nhiều bạn không ngần ngại xưng “anh Châu”.

Anh Châu đã bắt đầu sự chia sẻ với thủ khoa bằng những lời giản dị, và lắng đọng: “Có mặt tại buổi lễ hôm nay, tôi rất phấn khởi. Cảm giác rất ngạc nhiên và rất vui vì số thủ khoa nữ có vẻ áp đảo so với thủ khoa nam. Đó là điều đặc biệt, rất đáng mừng”.

Trước câu hỏi của thủ khoa Đại học Mỏ địa chất Nguyễn Ngọc Dũng: “Liệu trong quá trình nghiên cứu của Giáo sư, đã bao giờ GS gặp những khó khăn, trở ngại mà giáo sư thấy muốn bỏ dở giữa chừng chưa? Những lúc như vậy, Giáo sư vượt qua bằng cách nào?”, anh Châu đã rất tâm huyết giãi bày: “Trong cuộc đời làm khoa học không chỉ của cá nhân tôi, mà của tất cả mọi người, ai cũng gặp những lúc rất khó khăn. Con đường khoa học có rất nhiều rủi ro, không thể biết trước được là có đến đích hay không. Khi mình đã dấn thân vào con đường khoa học, có kỳ vọng đạt được điều gì đó, không thể đặt ra cái đích là 5 năm có thể làm được công trình này, 10 năm làm công trình kia. Điều này không khả thi”- anh nói. “Cảm giác thất bại trong quá trình lao động… là tương đối thường xuyên. Làm toán rất là khổ sở. Làm 100 ngày thì 99 ngày là khổ sở. Được đúng 1 ngày vui nhất. Nhưng sau cái ngày vui ấy thì lại tìm sự khổ sở tiếp theo”- anh cười thành thực.

GS Ngô Bảo Châu ký tặng các thủ khoa


Nhưng, sau một quãng lặng, GS Ngô Bảo Châu tiếp lời: “Thường, tôi vẫn nghĩ, những vất vả, gian nan trong con đường làm khoa học, nếu thật sự mình luôn thành thực với chính mình thì kể cả trong cái thất bại đã có mầm mống của thành công rồi. Cần một chút may mắn, nhưng khi số phận mỉm cười với mình thì mình cũng cần phải có chuẩn bị. Nếu mình không chuẩn bị trước, mình sẽ bỏ lỡ cơ hội ấy. Vì thế khi gian nan, phải ý thức được là mình đang chuẩn bị cho cơ hội để thành công”.

Còn với câu hỏi của bạn Dương Thanh Long (thủ khoa Đại học FPT) về cách giữ được niềm đam mê nghiên cứu khoa học, anh Châu bộc bạch: “Để giữ được sự ham mê của mình là phải hiểu sự ham mê đến từ đâu”. “Các nhà triết học cổ đại đã nói: Cội nguồn của niềm đam mê là con mắt của tuổi thơ. Cách duy nhất để giữ niềm ham mê là giữ cho mình nhãn quan của đứa trẻ. Kể cả khi mình đã từng trải, vẫn phải giữ bằng được con mắt trẻ thơ của mình: mong muốn tìm hiểu vạn vật, không chấp nhận triết lý “trời sinh ra thế” mà phải luôn tò mò câu hỏi “tại sao?”

Chia sẻ cảm nghĩ khi đến với buổi gặp gỡ thủ khoa, GS Ngô Bảo Châu nói: “Hôm nay, nhìn ánh mắt các bạn thủ khoa, cá nhân tôi rất tin tưởng ở những giá trị cấu thành nên xã hội Việt Nam: yêu chân lý, đạo đức, tôn thờ thẩm mỹ. Tôi nghĩ, giải thưởng mà tôi nhận được, đối với tôi, là một sự công nhận về giá trị công việc chuyên môn. Nhưng điều tôi thực sự rất vui là hình như (có thể do tôi chủ quan) là nó đã dấy lên niềm hy vọng, niềm tin trong trí óc, trái tim các bạn trẻ- niềm tin về một thế giới tốt đẹp”.

Sẻ chia về trách nhiệm, cống hiến cho đất nước

Mặc dù cuộc giao lưu có tới 4 vị khách mời nhưng phần lớn câu hỏi hướng về GS Ngô Bảo Châu. Thủ khoa Học viện An ninh nhân dân Nguyễn Thị Huyền Trang hỏi: “Tên tuổi của GS có ảnh hưởng rất lớn đối với tuổi trẻ Việt Nam hiện nay. Theo em được biết, công việc của GS thường xuyên phải ở nước ngoài. Vậy, với điều kiện như thế, GS có kế hoạch cống hiến gì cho đất nước trong thời gian tới?”

Sau tràng pháo tay cổ vũ, GS Ngô Bảo Châu cất tiếng: “Đúng là thời gian của tôi phần lớn là sống ở Mỹ, giảng dạy ở Đại học Chicago. Nhưng tôi đã nhận trọng trách Nhà nước giao cho là Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu cao cấp về toán. Để thực hiện trọng trách đó, hàng năm, 3 tháng hè, tôi về làm việc trong nước. Ngoài ra, thời gian khác trong năm, mặc dù tôi không có điều kiện sống ở Việt Nam nhưng tôi thường xuyên tham gia công tác tổ chức khoa học ở Viện.

“Từ năm ngoái, tôi rất quan tâm đến các hoạt động xã hội trong nước”- GS tiếp lời- “Thứ nhất, cùng với tập đoàn Viettel đang làm thủ tục để mở Quỹ Hạt vừng”. GS giải thích về tên gọi này: “Trong truyện Alibaba và bốn mươi tên cướp có câu thần chú “Vừng ơi! Mở ra!”. Hạt vừng mặc dù nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng đôi khi có thể mở cho con người những cánh cửa mới để đi đến chân trời lớn hơn”. Mục đích của quỹ là tiếp sức, ủng hộ cho các nhà khoa học. Đây là một công việc lớn, lâu dài mà tôi cùng nhiều anh em bạn bè đang làm”. Bên cạnh đó, trong TP Hồ Chí Minh, tôi và một người bạn đang mở ra một tủ sách với mong muốn truyền lòng ham đọc sách cho các bạn.

Với băn khoăn của Dương Thanh Long (thủ khoa Đại học FPT) Đất nước ta đã phát triển đáng kinh ngạc. Nhưng những người làm khoa học cũng thấy rõ so với những nước khác của châu Á, không kể những nước lớn, mà ngay nước nhỏ hơn như Hàn Quốc, Xinhgapo, Malaixia, nỗ lực rút ngắn khoảng cách về trình độ nghiên cứu khoa học và công nghệ của họ vẫn hơn Việt Nam. Đó là điều đáng lo”.

“Nếu bạn có một chút đam mê khoa học thì việc giữ gìn niềm đam mê đó cũng là một điểm xuất phát để đất nước chúng ta tiến lên được, ít nhất là về khoa học kỹ thuật”- GS nhắn nhủ.

Nguyễn Thu Liên, thủ khoa của Đại học Mỏ địa chất (khoa kinh tế mỏ) Sự có mặt của GS Ngô Bảo Châu là động lực cho em: “Giáo sư là một tấm gương sáng của không chỉ mình em mà cho tất cả các bạn thủ khoa noi theo. Tới đây, trước mắt, em sẽ đi làm một thời gian để tích lũy kiến thức liên quan đến chuyên ngành kinh tế mỏ. Sau đó, em sẽ học thêm kinh tế công nghiệp”. Với em, được có mặt ở Văn Miếu, ghi danh sổ vàng cũng chỉ mới là thành công bước đầu. Sự có mặt của GS Ngô Bảo Châu ở đây, hôm nay đã tiếp sức cho chúng em rất nhiều, tạo thêm động lực rất nhiều đối với chúng em trong thời gian tới”.

Nguyễn Ngọc Dũng, thủ khoa Đại học Mỏ địa chất: Chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu là bài học cho thủ khoa “Là người đặt câu hỏi về những khó khăn trên con đường nghiên cứu khoa học cho GS Ngô Bảo Châu, mình rất bất ngờ và ấn tượng với câu trả lời của Giáo sư. Với mình, những chia sẻ của GS hết sức ý nghĩa. Đó chính là bài học cho mỗi thủ khoa ngày hôm nay”.

Tâm huyết khi trao đổi về đam mê và quá trình nghiên cứu khoa học nhưng lại lúng túng khi nhận được một yêu cầu bất ngờ đọc thơ tự sáng tác. Anh cười bối rối: “Giá mà tôi được thông báo trước là đọc thơ thì tôi chuẩn bị trước. Tôi có làm một số bài thơ nhưng tôi không nhớ được. Có lẽ để cuối giờ, tôi nhớ ra thì tôi đọc tặng các bạn”.

Khép lại cuộc giao lưu nhiều dư vị, GS Ngô Bảo Châu nói: “Mong muốn của tôi có thể nói ngắn gọn như thế này thôi: Hôm nay, khi ngồi ở hàng ghế đại biểu nhìn các bạn thủ khoa lên ghi sổ vàng, tôi cảm thấy xúc động khi nhìn thấy ánh mắt tự hào trong sáng. Điều tôi mong muốn nhất, nếu có duyên số 5- 10 năm nữa khi gặp lại thì các bạn vẫn giữ được ánh mắt đó. Không để thực tế cuộc sống làm tắt đi niềm tin về bản thân mình trong tâm hồn các bạn”.

Đừng để danh hiệu thủ khoa là một gánh nặng cho mình là gửi gắm của GS Ngô Bảo Châu trước lúc chia tay. “Danh hiệu ấy cho bạn một niềm tự tin về bản thân. Điều đó rất quý. Nhưng chỉ nên dừng ở mức độ đó thôi. Không nên quá bị choáng ngợp bởi những danh thưởng như vậy. Đừng coi đó như một gánh năng. Hãy để những cái đã qua làm hành trang giúp bạn vượt qua khó khăn”

Buổi giao lưu khép lại trong lưu luyến. Thời gian được dành ưu tiên để thủ khoa chụp ảnh lưu niệm cùng các vị khách mời. Mưa đã ngớt, trời hửng lên. Nắng cuối chiều nhuộm vàng sân Thái học lúc này đang ngập sắc xanh áo thủ khoa. Liên tiếp các nhóm thi nhau gọi: “Anh Châu ơi!” mong được “thần tượng” để mắt đến và chụp một bức hình kỷ niệm. Cho đến lúc anh gần rời khỏi sân Thái học, nhiều thủ khoa còn líu ríu chạy phía sau, cố gọi với theo để xin chữ ký anh Châu…

Mạnh Minh

Thủ khoa ghi danh sổ vàng
Thủ khoa ghi danh sổ vàng

Chiều nay (20/8), sân nhà Thái học (Văn Miếu Quốc Tử Giám-, Hà Nội- trường Đại học đầu tiên của của nước nhà chứng kiến một sự kiện đặc biệt: Lễ dâng hương, ghi danh sổ vàng của 112 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN