Thông xe tuyến đường đô thị miền núi phía Bắc đầu tiên

Ngày 12/10, tại thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn đã diễn ra lễ thông xe kỹ thuật tuyến đường Nguyễn Văn Tố. Tuyến đường được nâng cấp, cải tạo nằm trong Dự án chương trình đô thị miền núi phía Bắc, giai đoạn 2015-2020.


Lễ thông xe kỹ thuật tuyến đường Nguyễn Văn Tố. Ảnh: TTXVN

Hạng mục nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Văn Tố được khởi công xây dựng từ tháng 3/2015, thời gian thực hiện là 10 tháng với chiều dài toàn tuyến hơn 2,5 km.

Các hợp phần thực hiện gồm: nâng cấp cải tạo nền mặt đường với chiều rộng 15m và hệ thống thoát nước, lát gạch vỉa hè hai bên đường rộng 6m theo tiêu chuẩn đường phố đô thị, hoàn thiện hệ thống cống thoát nước; sửa chữa, bổ sung các cửa xả nước đảm bảo toàn tuyến không bị ngập; tốc độ thiết kế cho phép xe chạy 40 km/giờ.

Tổng mức đầu tư của hạng mục là 39,64 tỷ đồng; trong đó, giá trị gói thầu xây lắp là 35,54 tỷ đồng. Đơn vị thi công là Công ty xây dựng và phát triển nhà Mê Linh và Công ty cổ phần Hồng Hà.

Đến nay, việc thi công xây dựng đã hoàn thành phần nền mặt đường, biển báo giao thông, sơn vạch kẻ đường, còn hệ thống thoát nước và lát gạch vỉa hè đường đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến toàn bộ việc thi công xây dựng sẽ hoàn thành trong tháng 11/2015.

Phát biểu tại lễ thông xe kỹ thuật tuyến đường Nguyễn Văn Tố, ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, đây là tuyến đường đầu tiên trong 7 tuyến đường đô thị triển khai ở miền núi phía Bắc được đưa vào sử dụng. Tuyến đường đáp ứng niềm mong mỏi của người dân bấy lâu.

Ngoài nhiệm vụ của một tuyến giao thông đô thị, đường Nguyễn Văn Tố là trục đường chính của các phương tiện vận tải lớn lưu thông từ trung tâm thành phố đi huyện Chợ Đồn.

Do đó, tuyến đường này được cải tạo, nâng cấp sẽ góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa. Tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thi công sớm hoàn thành các hạng mục, đưa vào sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích; đồng thời quản lý để tuyến đường không hư hỏng, xuống cấp, sử dụng lâu dài.

Dự án nâng cấp hạ tầng đô thị miền núi phía Bắc giai đoạn 2015 - 2020 được triển khai ở 7 tỉnh gồm: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Điện Biên và Yên Bái; vốn vay từ Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu của dự án là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao mức sống cho người dân nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho các đô thị miền núi phía Bắc.

Tại Bắc Kạn, dự án được triển khai gồm 4 hợp phần, với tổng mức đầu tư là 28,428 triệu USD. Giai đoạn 1 tỉnh Bắc Kạn đầu tư xây dựng 5 hạng mục gồm: nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Văn Tố; cải tạo hệ thống thoát nước đường Đội Kỳ; cải tạo hệ thống thoát nước tổ 2,3 phường Đức Xuân; nâng cấp đường từ Đức Xuân đi Tổng Nẻng và nâng cấp đường Kon Tum đi đường Ngầm với tổng mức đầu tư là 159,95 tỷ đồng.

Nguyễn Trình - Đức Hiếu (TTXVN)
Khó xóa bỏ lò gạch thủ công ở Bắc Kạn
Khó xóa bỏ lò gạch thủ công ở Bắc Kạn

Tỉnh Bắc Kạn có gần 80 lò gạch thủ công đang hoạt động, mỗi khi nung gạch, khói bụi mù mịt gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc dừng, tiến tới cấm hoàn toàn hoạt động các lò gạch thủ công là điều không đơn giản. Bởi để chuyển sang sản xuất theo công nghệ lò tuynel hoặc lò công nghệ tiên tiến khác, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong khi các chủ lò gạch nhỏ tiềm lực còn khiêm tốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN