Khó xóa bỏ lò gạch thủ công ở Bắc Kạn

Tỉnh Bắc Kạn có gần 80 lò gạch thủ công đang hoạt động, mỗi khi nung gạch, khói bụi mù mịt gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc dừng, tiến tới cấm hoàn toàn hoạt động các lò gạch thủ công là điều không đơn giản. Bởi để chuyển sang sản xuất theo công nghệ lò tuynel hoặc lò công nghệ tiên tiến khác, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong khi các chủ lò gạch nhỏ tiềm lực còn khiêm tốn.


Ngày ngày nhả khói

Phiêng My, phường Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn) chỉ có 15 hộ dân nhưng đến 8 lò gạch thủ công hoạt động ngày đêm. Trên con đường dẫn vào Phiêng My, có thể bắt gặp hàng loạt lò này nằm san sát, nhả khói liên tục. Con đường đến thôn dù được bê tông hóa nhưng nay đã hư hại nhiều vì xe ô tô chở gạch lặc lè qua lại.

Lò gạch thủ công xả khói bụi trực tiếp ra môi trường.
Ảnh: Bùi Đức Hiếu - TTXVN

Toàn tổ Phiêng My có 1 ha đất trồng lúa thì lại nằm trong khe nên cây lúa phát triển kém, còn lại khoảng 60 ha đất đồi rừng tới 40 ha thích hợp sản xuất gạch thủ công. Hơn 10 năm qua, nhiều lò gạch thủ công cứ dần mọc lên tại đây. Cuộc sống người dân luẩn quẩn quanh những lò gạch thủ công ngày ngày nhả khói.

Chị Trần Thị Cư, Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn chia sẻ, bản thân làm gạch 10 năm nay. Thời gian trước, thấy làm gạch không ăn thua nên đi Trung Quốc với mong muốn có thu nhập cao hơn, nhưng không thành công. Cuối cùng, chị Cư buộc phải quay lại với nghề gạch. Biết làm gạch vất vả, độc hại nhưng vẫn phải mưu sinh chứ!

Ông Lưu Quang Đoan, Trưởng thôn Phiêng My cho biết, người dân trong thôn sống chủ yếu từ làm thuê cho các lò gạch. Khi những lò gạch đốt, nhả khói bụi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất. Người dân nhiều lần kiến nghị nhưng chưa có biện pháp cụ thể khắc phục.

Các lò gạch thủ công nung sản phẩm phải mất từ 20 - 30 ngày mới cho ra một mẻ. Trong khi đó, lò thủ công không có ống khói hay hệ thống xử lý khói. Vì vậy, các loại khí độc thải tự do ra không khí. Toàn bộ lò gạch xây dựng theo công nghệ cũ, chủ yếu được làm bằng đất, nhiều lò đã cũ, sập xệ, nguy cơ tai nạn cho người lao động.

Dù gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, nhưng nhiều năm qua, những lò gạch này đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình, góp phần giải quyết việc làm hàng trăm lao động tại địa phương. Vì vậy việc xóa bỏ hoàn toàn gặp nhiều khó khăn.

Chuyển đổi cần vốn lớn

Theo quyết định số 817/2012/QĐ - UBND ngày 25/5/2012 của UBND tỉnh Bắc Kạn, kể từ ngày 1/1/2015 cấm triệt để mọi hoạt động nung đốt lò gạch, ngói thủ công trong khu vực đất canh tác nông nghiệp và khu vực đông dân cư. Kể từ ngày 1/1/2018 cấm toàn bộ hoạt động này tại địa bàn thành phố Bắc Kạn, huyện Bạch Thông, huyện Chợ Mới và từ ngày 1/1/2020 mọi hoạt động nung đốt lò gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh sẽ bị cấm.

UBND tỉnh Bắc Kạn quy định cụ thể lộ trình nhưng thời gian qua không cơ quan, ngành chức năng kiểm tra, giám sát, xử lý các lò gạch thủ công hoạt động trái quy định trên địa bàn.
Tuy nhiên, chủ lò gạch thủ công có những nỗi lo riêng. Anh Tạ Văn Lý, chủ lò gạch ở Phiêng My chia sẻ, sau khi biết thông tin về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, gia đình đã tính toán chi phí chuyển đổi công nghệ và thăm dò nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để chuyển đổi từ lò thủ công sang lò tuynel mất khoảng gần 10 tỷ đồng/lò là quá lớn. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu lâu dài ở đây cạn kiệt dần. Anh Lý cũng như các chủ lò gạch ở đây mong các cấp có thẩm quyền nghiên cứu xem xét lại lộ trình thực hiện, có thể kéo dài thời gian. Nếu không có cơ chế hỗ trợ kinh phí chuyển đổi sang lò tuynel, các gia đình có lò gạch ở đây khó có thể đủ tiền xây lò mới.

Bà Hoàng Thị Thúy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Kạn cho biết, việc chuyển đổi, tiến tới xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng nông thôn bởi ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của người lao động ở địa phương. Thời gian tới, các sở, ban ngành sẽ phối hợp UBND các huyện cùng tháo gỡ. Cụ thể, tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề mới cho người nông dân, lao động tại các lò gạch thủ công trên địa bàn, hướng dẫn chính sách hỗ trợ học nghề, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, chủ lò gạch thủ công.

Để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình cũng như đảm bảo cuộc sống người dân không bị xáo trộn sau khi xóa bỏ các lò gạch thủ công, tỉnh Bắc Kạn và các ngành chức năng cần sớm nghiên cứu giải pháp thiết thực. Việc dẹp bỏ lò gạch thủ công cần có một lộ trình dài. Trong thời điểm này, các cấp, ngành, địa phương từng bước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch, ngói thủ công chuyển sang sản xuất theo công nghệ lò tuynel hoặc các lò công nghệ tiên tiến khác, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường.
Đức Hiếu - Nguyễn Lan
Lò gạch thủ công vẫn đua nhau nhả khói
Lò gạch thủ công vẫn đua nhau nhả khói

Theo Quyết định 115 của Thủ tướng Chính phủ, việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò gạch thủ công phải kết thúc trước năm 2010. Tuy nhiên, đến nay tại một số địa phương, tình trạng sử dụng lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên tồn tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN