Thời tiết thay đổi, bệnh truyền nhiễm gia tăng

Tuy số mắc chưa tăng cao đến mức đỉnh dịch, song việc cùng lúc diễn ra nhiều dịch bệnh truyền ra như: Thủy đậu, tay chân miệng, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết... cho thấy hiển hiện nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Nhiều dịch bệnh “trái mùa”

Theo BS Trần Thị Kim Vân, Phó khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh với thời tiết hanh khô như hiện nay, các bệnh về đường hô hấp luôn chiếm tỷ lệ cao so với các bệnh khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ nhập viện do mắc các bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, thủy đậu, quai bị, sốt xuất huyết...

Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh.


Tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, đang có 137 trẻ điều trị. Trong đó, 40 trẻ bị mắc sốt xuất huyết, 11 ca tay chân miệng, 9 ca viêm màng não, 8 ca thủy đậu...

"Mùa sốt xuất huyết năm nay cũng diễn biến khác so với những năm trước. Thông thường, dịp trước và sau Tết, số ca sốt xuất huyết tại bệnh viện giảm dần nhưng năm nay, ca bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa giảm, thậm chí còn nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái", BS Vân cho biết thêm.


BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết, trung bình mỗi ngày, tại khoa Khám, Bệnh viện Nhi Đồng 1, có khoảng hơn 10 trẻ đến khám do mắc thủy đậu. Thời điểm này đang vào mùa của bệnh thủy đậu. Tại các tỉnh miền Nam, bệnh thủy đậu diễn ra hàng năm theo chu kỳ từ tháng 2 đến tháng 6, đỉnh điểm của dịch rơi vào khoảng tháng 4 đến tháng 5. Đặc tính của thủy đậu là có tốc độ gia tăng nhanh chóng và khó kiểm soát. Virút thủy đậu có thể phát tán trước khi phát hiện bệnh và tồn tại trong vùng hầu, họng của người bệnh đến 3 tuần sau khi hết bệnh.


Theo Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, nhìn chung một số bệnh truyền nhiễm trong thời gian qua có giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm 2017 đến nay, thành phố có khoảng hơn 2.550 ca sốt xuất huyết, giảm 29% so với cùng kỳ, bệnh tay chân miệng giảm 13%.


Tại Hà Nội, cũng đang “nóng” dịch thủy đậu và đau mắt đỏ. TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, cho biết, từ tháng 1 đến đầu tháng 2/2017, Hà Nội ghi nhận 161 ca thủy đậu, giảm 195 ca so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức cho thấy, con số thực tế chắc chắn cao hơn nhiều vì trong cộng đồng, rất nhiều bà mẹ đang lao đao vì cùng lúc cả hai con nhỏ, thậm chí cả người lớn cũng mắc bệnh thủy đậu.


Bên cạnh đó, những ngày gần đây, bệnh nhân bị viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ tăng hơn so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận khoảng 150 - 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, tăng 10% so với dịp trước Tết Nguyên đán. Bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.


Tuy chưa thể nói là bùng phát thành dịch, nhưng theo chuyên gia ngành nhãn, bệnh đau mắt đỏ gia tăng vào mùa xuân cũng có thể gọi là “trái mùa”, bệnh này vốn thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao... Đây cũng là điều đáng lo ngại vì trong điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay, virút gây bệnh đau mắt đỏ dễ phát triển mạnh lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.


Tiêm vắcxin, đảm bảo vệ sinh


Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều cho biết: Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã chỉ đạo cho trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện tăng cường triển khai công tác phòng chống các dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, virút Zika... trên địa bàn.


Để phòng ngừa dịch bệnh thủy đậu, BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo, phụ huynh nên cho trẻ tiêm đủ 2 mũi vắcxin ngừa thủy đậu, mỗi mũi tiêm cách nhau ít nhất là 3 tháng. Còn đối với người lớn, nhất là phụ nữ ở độ tuổi sinh nở cũng nên đi tiêm vắcxin ngừa thủy đậu bởi nếu mang thai ở 3 tháng đầu tiên bị mắc thủy đậu thì ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi.


“Với riêng nhóm tuổi mẫu giáo, vì là trẻ nhỏ, tập trung đông trong một lớp nên việc phòng bệnh thủy đậu cần chú ý hơn: Trẻ mắc bệnh cho nghỉ học từ 7 - 10 ngày, mở cửa thông khí lớp học thường xuyên. Khử khuẩn thường xuyên đồ chơi, sàn nhà, bàn ghế của trẻ bằng xà phòng, nước tẩy rửa. Cho các cháu súc họng hàng ngày. Cần thông báo cho Trạm Y tế khi có trẻ mắc bệnh”, TS Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh.


Để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, các chuyên gia dự phòng khuyến cáo, người dân cần phải tiêm vắcxin phòng ngừa đối với những bệnh đã có vắcxin như: Thủy đậu, cúm... Đặc biệt, phải giữ gìn vệ sinh cá nhân. Thường xuyên ngủ màn để tránh muỗi đốt; vệ sinh môi trường xung quanh nhằm ngăn ngừa sự lây truyền của các bệnh lây qua đường tiêu hóa hay qua vết đốt côn trùng. Khi có dấu hiệu mắc các bệnh truyền nhiễm người bệnh nên đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.


Phương Liên - Đan Phương
Nguy cơ gia tăng bệnh truyền nhiễm do thời tiết bất thường
Nguy cơ gia tăng bệnh truyền nhiễm do thời tiết bất thường

Trước những diễn biến thời tiết bất thường, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân nên cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, bệnh do virút Zika và các loại bệnh truyền nhiễm khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN