Nằm trên địa bàn đặc thù có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, thanh niên Ninh Bình với vị trí là thế hệ kế thừa, phát huy đã luôn tích cực trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc.
Nằm ở cực Nam của đồng bằng sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 90 km về phía Đông Nam, Ninh Bình được biết đến là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch văn hóa, vì đây từng là kinh đô của Việt Nam ở thế kỷ X, nơi phát tích ba triều đại Đinh - Lê - Lý mà bằng chứng để lại là hàng loạt các đình, đền, chùa và di tích lịch sử. Với những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hoá và tự nhiên, năm 2014 quần thể danh thắng Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.
Là lực lượng đông đảo và hoạt động trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thanh niên Ninh Bình luôn nhận thức rõ di sản văn hóa dân tộc không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống, nhân cách cho thế hệ trẻ mà còn là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm qua, các cấp bộ đoàn tỉnh Ninh Bình luôn vận động, khuyến khích thanh niên hoàn thành tốt những công việc được giao, có trách nhiệm với cộng đồng trong việc cùng chung tay tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là quần thể danh thắng Tràng An.
Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Sau khi trở thành di sản thế giới, khách du lịch tìm đến quần thể danh thắng Tràng An ngày càng tăng, vì vậy đã tạo thêm nhiều việc làm cho cộng đồng dân cư sở tại, đặc biệt là sự tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch. Theo thống kê sơ bộ, số lượng thanh niên tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch trong khu di sản chiếm đến hơn 50%, bao gồm một số dịch vụ như chèo đò, bán hàng, chụp ảnh, lễ tân khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên...
Bên cạnh đó, thanh niên còn là lực lượng xung kích đi đầu trong việc bảo vệ, giữ gìn di sản thông qua các hoạt động như dịch vụ du lịch, kinh doanh, sản xuất, bảo vệ rừng, đa dạng sinh học... Chính những hoạt động này đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức và hành động của thanh niên góp phần kết hợp hài hòa giữa việc bảo vệ, giữ gìn di sản với các hoạt động kinh doanh, sản suất, sinh hoạt hàng ngày của người dân mà không làm ảnh hưởng xấu đến tính toàn vẹn của di sản.
Anh Nguyễn Thành Đức, đoàn viên thanh niên Ban Quản lý khu di tích Tràng An, cho biết: “Thông qua các hoạt động dịch vụ tại khu du lịch, các đoàn viên thanh niên còn tuyên truyền về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa cho khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước. Trong đó, kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn du khách có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường di sản, không có các hành vi xâm hại đến di sản như không xả rác bừa bãi, không phá hoại cảnh quan, săn bắt chim, động vật, tài nguyên khoáng sản”. Đoàn viên thanh niên khu di tích Tràng An đã đóng góp công sức của mình trong sự nghiệp bảo tồn các giá trị di sản và quảng bá các giá trị này đến với du khách trong nước và quốc tế, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh Ninh Bình phát triển.
Các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, giữ gìn cảnh quan môi trường cũng được các thanh niên thường xuyên tổ chức dưới nhiều hình thức có ý nghĩa phù hợp với điều kiện của địa phương như thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh tại các di tích và khu, điểm du lịch. Những hoạt động này góp phần giáo dục tuyên truyền tới người dân và du khách nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường tại các khu, điểm du lịch. Sự tham gia của cộng đồng, trong đó vai trò của thanh niên là nòng cốt vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản Tràng An là một trong những giải pháp quan trọng của công tác quản lý di sản ở địa phương.
Bí thư Chi đoàn Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết: “Sự tham gia của tầng lớp thanh niên vào bảo tồn và phát huy di sản Tràng An không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản, mà còn là lực lượng giám sát nhanh và hiệu quả, giúp cho các cơ quan quản lý di sản giải quyết kịp thời những hành vi ảnh hưởng không tốt đến di sản”.
Bên cạnh đó, tại các cơ quan quản lý di sản, song song với công tác chuyên môn các đoàn viên thanh niên cũng đang tích cực tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học. Hiện nay, trong quần thể di sản có 28 di tích khảo cổ học đã được khảo sát điền dã, trong đó có 12 di tích đã được thăm dò và khai quật. Trong các đợt nghiên cứu, các đoàn viên thanh niên luôn tích cực đồng hành cùng các đoàn chuyên gia trong nước và quốc tế tiến hành khai quật nghiên cứu các di chỉ khảo cổ học tiêu biểu để làm rõ hơn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Tràng An.