Người dân Hà Nội từ lạ lẫm đến thích thú và cảm mến những chiến sỹ công an phường khi họ tuần tra bằng xe đạp. Hình ảnh chiến sỹ Công an Thủ đô vì thế trở nên thân thiện, gần gũi với dân hơn. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả "Năm trật tự văn minh đô thị 2015" của thành phố Hà Nội đề ra.
Xây dựng hình ảnh người cảnh sát thân thiện Hơn 2 tháng nay, người dân sống quanh khu vực đường Cổ Tân, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Trống, Hàng Khay… đã quen thuộc với hình ảnh người chiến sỹ cảnh sát trật tự tuần tra trên chiếc xe đạp màu cỏ úa. Không chỉ chậm rãi quan sát từng ngõ phố, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân, người chiến sỹ cảnh sát trật tự còn luôn nở nụ cười mỗi khi trao đổi trò chuyện với người dân.
Công an phường Tràng Tiền tuần tra bằng xe đạp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Ông Đặng Văn Tuấn, thợ sửa đồng hồ ở đường Hàng Khay chia sẻ: Hình ảnh cảnh sát làm nhiệm vụ bằng xe đạp tưởng chỉ có trên phim truyện của nước ngoài, nào ngờ Công an Hà Nội áp dụng thí điểm phương thức tuần tra này. Đây là một ý nghĩ mạnh dạn, đem lại lợi ích cho cộng đồng bởi tuần tra bằng xe đạp không tốn nhiên liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường. Khi cảnh sát thực thi chức trách bằng xe đạp, có thời gian quan sát dễ hơn tại khu vực được giao, qua đó kịp thời phát hiện hành vi sai trái để ngăn chặn, bảo đảm trật tự trị an khu vực.
Bày tỏ sự đồng tình với việc Công an Hà Nội thí điểm triển khai tuần tra bằng xe đạp, anh Nguyễn Văn Thịnh, ở phố Ngô Quyền cho rằng xe đạp ít phát ra tiếng ồn hơn xe đặc chủng nên cảnh sát dễ dàng tiếp cận mà tội phạm không hề hay biết, đồng thời cảnh sát có thời gian tiếp xúc với dân nhiều hơn.
Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả "Năm trật tự văn minh đô thị 2015", xây dựng hình ảnh Công an Thủ đô thân thiện hơn, từ đầu tháng 8/2015, Công an Hà Nội tổ chức thí điểm Cảnh sát trật tự phường tuần tra bằng xe đạp tại 12 phường trên địa bàn một số quận nội đô. 72 xe đạp trang bị cho lực lượng cảnh sát trật tự được sản xuất tại Công ty xe đạp Thống Nhất. Xe đạp có trọng lượng 17,7kg với phần khung thép tiêu chuẩn. Thân xe được sơn hai màu vàng - xanh có ghi chữ Cảnh sát trật tự. Trên xe cũng trang bị túi da đựng đồ có gắn chữ Police, chai nước, đèn pin, dùi cui điện.
Đại úy Trần Văn Ba, Cảnh sát trật tự phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cho biết, ban đầu anh và một số đồng nghiệp cũng ngại ngần đạp xe vì thói quen lâu nay là đi xe máy hoặc ô tô để làm nhiệm vụ. Nhưng nay anh cảm thấy thoái mái khi đạp xe trên đường để nắm bắt tình hình trên địa bàn quản lý. "Tôi thấy làm nhiệm vụ bằng xe đạp gần gũi với người dân hơn, tiện lợi trong việc dừng đỗ, nhất là không phải quá băn khoăn đến chỗ để phương tiện”.
Về hiệu quả của tuần tra bằng xe đạp, Thượng tá Nguyễn Hồng Lợi, Phó trưởng Phòng Cảnh sát trật tự, Công an Hà Nội cho hay, sử dụng xe đạp để tuần tra nhằm góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Qua triển khai tuần tra bằng xe đạp, Công an Hà Nội đã nhận được phản hồi tốt của người dân Thủ đô về mức độ thân thiện hơn trong công việc.
Phù hợp với đường phố Thủ đô
Nhiều năm nay, Công an thành phố Hà Nội vẫn dùng xe bán tải nhỏ hàng ngày chạy qua các khu phố để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự đô thị. Chi phí cho những xe tải nhỏ đó không hề nhỏ. Hơn nữa, hình ảnh chiến sỹ cảnh ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhỏ cũng không đẹp mắt, kém thân thiện. Nhưng quan trọng nhất là hiệu quả công việc chưa tương xứng với chi phí mà thành phố bỏ ra.
Theo Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung, địa bàn Thủ đô có nhiều ngõ ngách nhỏ nên lực lượng Cảnh sát trật tự di chuyển bằng ô tô, xe máy khi làm nhiệm vụ gặp khó khăn, hiệu quả công việc không như mong muốn. Vì vậy, xe đạp đang là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng công việc của cảnh sát khu vực mà Công an thành phố đang thực hiện thí điểm. Dự kiến sau 3 tháng triển khai thí điểm, Công an Hà Nội sẽ tổ chức đánh giá để tìm ra ưu, nhược điểm trước khi tiến hành nhân rộng.
Đề cập đến đặc thù giao thông Hà Nội, anh Hà Quốc Việt công tác tại một cơ quan nhà nước cũng đồng tình với việc Cảnh sát trật tự tuần tra bằng xe đạp. Bởi theo anh Việt, Cảnh sát trật tự tuần tra bằng xe đạp sẽ dễ di chuyển và cơ động, linh hoạt hơn tại những con ngõ nhỏ, phố hẹp. Khi phát hiện tội phạm, cảnh sát dễ dàng bỏ xe để truy đuổi, công việc đạt hiệu quả cao hơn, trong khi với những phương tiện khác nếu thực hiện công việc trên sẽ tốn thời gian và công sức hơn. Tuy nhiên, cũng sẽ là hạn chế, trong trường hợp tội phạm sử dụng phương tiện phân khối lớn, cảnh sát khu vực sẽ rất khó tiếp cận bắt giữ, cũng như truy đuổi. Anh Việt chỉ ra những hạn chế mà cảnh sát trật tự gặp phải khi tuần tra bằng xe đạp.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng chia sẻ, cách thuyết phục người dân là nói cho họ rõ các quy định trật tự đô thị nhẹ nhàng như kiểu “đi xe đạp” sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với các xe bán tải, loa oang oang... Thực tế này đã hiển hiện ngày ngày trên nhiều khu phố mà chúng ta đều được chứng kiến. Qua một số việc làm của lãnh đạo Công an Hà Nội chúng ta thấy: Làm lãnh đạo chỉ cần nghĩ đến dân một chút thôi, tư duy một chút thôi... là sẽ có những thay đổi quan trọng mang lợi cho người dân.
Phương tiện đôi khi sẽ quyết định đến hiệu quả công việc. Tuy nhiên, ý thức của người thực thi công việc còn quan trọng hơn. Do vậy, ngoài việc bố trí phương tiện tuần tra hợp lý cho lực lượng Cảnh sát trật tự khu vực tại một số phường nội đô, Công an Hà Nội cần tiếp tục nâng cao ý thức, tinh thần “Vì nước quên thân vì dân phục vụ” để cán bộ chiến sỹ xứng đáng với niềm tin yêu của người dân Thủ đô.