Việc tháo dỡ các công trình phụ trợ, cây cối nằm trong hành lang an toàn của đường ống dẫn khí được địa phương thực hiện từ ngày 5/4 với nhiều máy xúc, xe tải nhỏ và trang thiết bị khác. Trong quá trình triển khai tháo dỡ đã đảm bảo yếu tố an toàn về lao động và các công trình lân cận. Toàn bộ cây cối trong hành lang an toàn đường ống khí đã được chuyển đến vị trí mà các hộ dân yêu cầu, đảm bảo không gãy cành, đứt rễ.
Ngày 11/4, UBND huyện Tiền Hải sẽ tổ chức bàn giao, trả lại mặt bằng hành lang tuyến ống cho chủ đầu tư.
Các hộ dân ở Đông Minh tháo dỡ tường dậu vi phạm hành lang an toàn đường ống dẫn khí. Ảnh: Báo Thái Bình |
Như Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, hệ thống thu gom, phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình lô 102, 106 giai đoạn 1 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giao cho Tổng công ty Khí Việt Nam làm chủ đầu tư với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 92 triệu USD. Dự án hạ nguồn hệ thống phân phối khí áp thấp cho khu công nghiệp Tiền Hải - Thái Bình do Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) ủy quyền cho Công ty Cổ phần phân phối khí áp thấp dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư với mức đầu tư hơn 62 triệu USD. Công trình chính thức san lấp mặt bằng từ tháng 5/2014, đến đầu tháng 8/2015, Tổng công ty Khí Việt Nam đã đón dòng khí đầu tiên từ ngoài khơi về đất liền. Chuỗi hệ thống dự án có tổng chiều dài khoảng 24 km đi qua địa phận 3 xã Đông Cơ, Đông Minh và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải.
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án liên quan đến gần 460 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng. Hành làng đường ống dẫn khí chủ yếu chạy qua vùng đất lúa, đất thổ cư, đầm tôm, bãi ngao của người dân. Những vi phạm khi tự ý lấn chiếm hành lang an toàn của đường ống dẫn khí để xây tường bao, cổng dậu, đổ sân bê tông, trồng cây lâu năm…của 7 hộ dân thôn Minh Châu, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải diễn ra chủ yếu vào các năm 2014 và 2015. Tổng diện tích các hộ dân này lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường ống dẫn khí lên đến hơn 260 m2. Điều đáng nói các hộ dân này đã nhận đủ số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng với tổng số tiền gần 570 triệu đồng.
Theo chính quyền địa phương, nguyên nhân dẫn đến các vi phạm trên là do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, chưa ý thức được mức độ nguy hiểm làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn dầu khí. Công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật quy định về an ninh- an toàn trong công trình dầu khí đến với người dân còn hạn chế. Cùng với đó, sự phối hợp của đơn vị chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành với chính quyền địa phương chưa được chặt chẽ. Công tác kiểm tra, kiểm soát của đơn vị quản lý còn lỏng lẻo dẫn đến việc phối hợp thực hiện, giải quyết các vấn đề phát sinh chưa kịp thời./.