Bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Thành phố Hà Nội cho biết: Chuẩn bị đón Tết cổ truyền - Xuân Kỷ Hợi 2019, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp công đoàn Thủ đô tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động như: chủ động tham gia với người lao động xây dựng kế hoạch trả lương, các khoản phúc lợi khác, sớm công khai để người lao động biết và giám sát thực hiện.
Đặc biệt, trong dịp Tết này, các cấp công đoàn Thủ đô Hà Nội chi trên 30 tỷ đồng hỗ trợ trên 80.000 vé xe, trao trên 65.000 suất quà chăm lo cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, LĐLĐ thành phố chi hơn 7,4 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 90 mái ấm Công đoàn trị giá 2,5 tỷ đồng; Trao 6.560 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng: Tặng 1.600 vé xe ô tô đưa CNLĐ về quê đón Tết cho CNLĐ các KCN & KCX Hà Nội.
Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố Hà Nội trao 200 suất quà cho các cháu và các đồng chí là 14 vợ các chiến sỹ đang công tác tại quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, mỗi suất quà trị giá 2 triệu đồng; hỗ trợ 406 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn của các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Hà Giang.
Đặc biệt, tại Tết Sum vầy năm nay, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ từ ngân sách thành phố 3.000 suất quà, trị giá mỗi suất quà 500.000 đồng. LĐLĐ Thành phố hỗ trợ 3.500 suất từ nguồn kinh phí công đoàn, các doanh nghiệp ủng hộ được 360 suất quà. Đồng thời, 26 chuyến xe đã được tổ chức, đưa 1.600 CNLĐ thuộc Công đoàn các KCN & KCX Hà Nội về quê đón Tết.
Đối với công nhân lao động, Tết Sum vầy là một chương trình nhiều ý nghĩa có thêm động lực, yên tâm để làm việc. Chị Pham Thị Hoan (Quốc Oai) là một trong những công nhân có hoàn cảnh khó khăn của công ty điện tử Meiko được LĐLĐ Hà Nội tặng sổ tiết kiệm 10 triệu đồng xúc động chia sẻ: Con lớn 12 tuổi bị u thận trái phải cắt một quả thận. Gia đình đông con, chồng lại công việc bấp bênh, viện phí điều trị cho người con bị u thận rất lớn nhưng được sự quan tâm của các cấp công đoàn trong dịp tết này, tôi cảm thấy vợi đi nhiều sự khó khăn.
Còn chị Hoàng Thị Hậu (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, đây là năm thứ 3 tham dự Tết Sum vầy và thấy chương trình ý nghĩa trong việc gắn kết công nhân lao động. Qua chương trình, những đóng góp của người lao động được các cấp lãnh đạo ghi nhận. Phần quà tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa động viên lớn. Đặc biệt các cấp công đoàn đã cùng với chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ việc tăng lương tối thiểu vùng, thưởng tết như cam kết.
Trong khi đó, chị Lê Thị Hương, quê Thanh Hóa khi được nhận quà và tấm vé xe miễn phí cho biết: Có được tấm vé này hai mẹ con tôi không còn phải lo di chuyển ra bến xe, cảnh nhồi nhét trên các chuyến xe khách mà yên tâm làm việc đến hôm cuối, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán.
Đánh giá cao chương trình Tết Sum vầy của Hà Nội, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Năm 2018, tốc độ tăng trưởng của Hà Nội cao hơn tốc độ chung của cả nước, trong đó có sự đóng góp của CNLĐ trên địa bàn. Đây là năm thứ 5, LĐLĐ thành phố đi đầu và cùng với cả nước tổ chức Tết sum vầy với số lượng công nhân được chăm lo nhiều hơn.
Theo ông Trần Thanh Hải, Tết sum vầy là điều mong mỏi lớn nhất của mọi CNLĐ sau một năm làm việc được sum họp với gia đình trong dịp Tết đến xuân về, tuy nhiên vẫn còn những công nhân do hoàn cảnh đặc biệt không thể về quê ăn tết. Do đó, các cấp công đoàn Thủ đô phối hợp với doanh nghiệp quan tâm chăm lo để các công nhân dù không về quê vẫn có thể có được Tết. Đặc biệt, Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Hải mong muốn, sau những ngày nghỉ Tết, tái tạo sức khỏe, CNLĐ sẽ bước vào làm việc với khí thế mới, nỗ lực, trách nhiệm, hoàn thành tốt công việc để góp sức phát triển đơn vị và Thủ đô.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi nhận: Trong những năm qua, chương trình Tết Sum vầy do các cấp công đoàn Thủ đô thực hiện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về cả vật chất và tinh thần về đón Tết. Điều đó thể hiện sự quan tâm, sâu sát của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích cho người lao động Thủ đô và cả nước với phương châm “không để đoàn viên, công nhân lao động không có Tết”, “ở đâu có công nhân lao động gặp khó, ở đó có tổ chức Công đoàn”.
Năm 2019 là năm có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành toàn diện chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng đảng và hệ thống chính trị của nhiệm kỳ 5 năm 2015- 2020. Do đó, Bí thư Hoàng Trung Hải đề nghị lực lượng đoàn viên, công nhân lao động Thủ đô phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tiếp tục phấn đấu, nâng cao hơn nữa trình độ, tay nghề, góp phần phát triển doanh nghiệp, xây dựng đất nước. Đặc biệt, công nhân lao động góp phần tăng năng suất lao động, tham gia hoạt động thi đua, cải tiến kỹ thuật.
Theo Liên đoàn lao động Thành phố Hà Nội, năm 2018, để chăm lo tốt hơn đến đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, nhất là các gia đình CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo, tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ xã hội và ủng hộ các hoạt động xã hội do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phát động. Kết quả, năm 2018, các cấp công đoàn đã ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện hơn 31,2 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ xã hội và sự phối hợp giữa công đoàn và chính quyền các cấp, LĐLĐ Thành phố và các cấp công đoàn đã chi trên 43 tỷ đồng, chăm lo cho lao động có hoàn cảnh khó khăn.