Tập trung cao độ ứng phó với nguy cơ cháy rừng

Theo dự báo, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở tỉnh Ninh Thuận đang dao động ở cấp III (cấp cao) đến cấp IV (cấp nguy hiểm). Để ứng phó với thực trạng trên, tỉnh đang quyết liệt thực hiện phương châm "4 tại chỗ"; qua đó để kịp thời xử lý, hạn chế đến mức thấp nhất diện tích rừng bị thiệt hại nếu có xảy ra cháy.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận họp khẩn với các đơn vị liên quan thực hiện phương án phòng, chống cháy rừng.

Ninh Thuận đã bước vào mùa khô hanh, thời tiết nắng nóng kéo dài trong khoảng 3 tháng gần đây nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là khó tránh khỏi. Tại địa bàn hai huyện Bác Ái và Ninh Sơn, đa phần diện tích rừng đã trút lá, hệ thực vật bậc thấp cũng khô héo, tạo thành thảm thực bì khô rất dễ bén lửa và nguy cơ dự báo cháy đã tăng lên cấp IV. Diện tích rừng ở các huyện còn lại như Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải cũng đã dự báo tăng lên ở cấp III.

Ông Nguyễn Văn Hiến - Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu cho biết, đơn vị quản lý gần 40 ha rừng, thuộc địa bàn 11 xã của 3 huyện Thuận Bắc, Bác Ái và Ninh Sơn. Phần lớn diện tích rừng ở đây nằm xen kẽ với nương rẫy của người dân.

Hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn nên công tác tuần tra, kiểm soát rừng ở các khu vực trọng điểm, khu vực giáp ranh đang được các trạm bảo vệ rừng và các tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng triển khai rất quyết liệt, tăng cường quân số trực 100%.

Thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Tà Lúa 2, xã Phước Đại (huyện Bác Ái) Chamaléa Phố cho hay, từ trước Tết Giáp Thìn (thời điểm đầu mùa khô), các thành viên tổ cộng đồng đã phát quang bụi rậm, tạo các đường băng cản lửa, cắt cử nhau ngày, đêm "bám rừng". Các dụng cụ chuyên dụng phòng cháy, chữa cháy rừng đã được chuẩn bị đầy đủ để trong trường hợp phát hiện có cháy thì dập tắt ngay lập tức.

Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Tà Lúa 2, xã Phước Đại cũng tăng cường tuyên truyền, thường xuyên thông báo đến bà con đồng bào Raglai sinh sống ở vùng đệm, hay làm nương rẫy không được sử dụng lửa trong rừng và gần rừng, nhất là việc lợi dụng mùa khô để đốt dọn nương rẫy chờ mùa mưa trồng trọt.

Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bầu Ngứ, ở xã Phước Dinh, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam Cao Văn Chương cũng cho hay, mùa khô rừng trút lá nên nếu sơ ý rất dễ xảy ra cháy lan, cháy lớn. Trước nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã phối hợp với các ngành liên quan tăng cường lực lượng gồm nhân viên trạm, Cảnh sát cơ động, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm… cùng tổ chức phát dọn, làm bờ ranh để có thể hạn chế cháy lan nếu có xảy ra.  

Thời gian qua, Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bầu Ngứ đã tăng cường lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát tình hình tại thực địa. Đồng thời, trạm đã bố trí lực lượng trực 24/24h tại các chốt trong rừng để phòng trường hợp phát hiện có cháy thì dập tắt ngay, không để bị động.

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay,  lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các đơn vị chủ rừng đã bố trí 107 điểm trực tại các trạm, chốt cửa rừng và trực chỉ huy trên toàn địa bàn; đảm bảo duy trì lực lượng thường trực trong ngày với  hơn 310 người tham gia, gồm lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách 150 người, lực lượng các đơn vị tham gia nhận khoán bảo vệ rừng và Ban chỉ huy các xã với 167 người.

Lực lượng kiểm lâm của tỉnh và các đơn vị chủ rừng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương trên địa bàn đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, vận động ký cam kết không vi phạm các quy định quản lý bảo vệ rừng… Qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 điểm cháy rừng trong khu vực rừng tự nhiên. Khi phát hiện điểm cháy, lực lượng kiểm lâm cùng đơn vị chủ rừng đã tiếp cận hiện trường, tổ chức dập lửa không gây thiệt hại về rừng.

Chú thích ảnh
Các lực lượng chức năng cùng cùng tham gia phòng, chống cháy rừng ở huyện Bác Ái. 

Theo ông Hiếu, thời tiết khô hanh kéo dài có khả năng cháy lớn ở tất cả các loại rừng, tốc độ cháy lan rất nhanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn là rất cao. Do đó, ngành Nông nghiệp đã triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ", chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị chữa cháy. Qua đó khi phát hiện sẽ chữa cháy kịp thời các điểm cháy, ngăn chặn và xử lý sớm các sự cố cháy rừng.

Từ trước Tết Giáp Thìn, các lực lượng như Kiểm lâm, Công an, chủ rừng, thành viên các tổ nhận khoán bảo vệ rừng cộng đồng đã ứng trực 24/24h, đảm bảo 100% quân số thực hiện nhiệm vụ. Các lực lượng từ tỉnh đến huyện, xã đã tổ chức 162 đợt kiểm tra với hơn 1.400 lượt người tham gia phòng, chống cháy rừng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các đơn vị chủ rừng, Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại trang điện tử: Kiemlam.org.vn; thông tin ngay khi cháy rừng xảy ra về Cục Kiểm lâm để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.

Đồng thời, Cục đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn các đơn vị đóng quân; huy động lực lượng, phương tiện, chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Bài, ảnh: Công Thử (TTXVN)
Chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng mùa khô 2024
Chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng mùa khô 2024

Chiều 29/2, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an) đã đưa ra khuyến cáo các chủ rừng và người dân cần thực hiện nghiêm những biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng trong đợt cao điểm mùa khô năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN