Trong số các biện pháp theo khuyến cáo của C07, đáng chú ý, các chủ rừng và người dân cần chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về thời tiết, khí hậu, thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, cấp dự báo cháy rừng, vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Các chủ rừng, cơ sở và người dân sinh sống, hoạt động ven rừng, trong rừng cũng cần chủ động lập các biển cảnh báo nguy cơ cháy rừng, đồng thời phải nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong công tác này; quản lý chặt chẽ trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; thường xuyên nghiên cứu, tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng chữa cháy rừng.
Khuyến cáo của Cục C07 cũng nhấn mạnh, các chủ rừng phải tổ chức thường trực phòng cháy, chữa cháy, tăng cường công tác tự kiểm tra, tuần tra kiểm soát tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng và triển khai xử lý có hiệu quả an toàn. Chủ rừng phải thường xuyên dọn dẹp, làm giảm các thảm thực bì, các vật liệu cháy, đảm bảo khoảng cách an toàn tại các khu vực rừng có các đường dây truyền tải điện đi qua; trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng như: Dao phát tạo đường băng cản lửa, vỉ dập lửa, cuốc, xẻng, máy bơm chữa cháy, máy thổi gió, nguồn nước phục vụ chữa cháy...
Theo Cục C07, chủ rừng phải bảo đảm các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định, như: có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tạo đường băng cản lửa, kênh, mương ngăn lửa; nguồn cấp nước chữa cháy; chòi quan sát phát hiện cháy rừng; tháp quan trắc lửa rừng; hệ thống biển cấm, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy rừng; hệ thống dự báo, cảnh báo cháy rừng và các công trình khác phục vụ cho phòng cháy và chữa cháy rừng.
Khi đốt nương, làm rẫy, dọn dẹp thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng, người dọn dẹp phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng; tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều; trước khi đốt phải thông báo với chính quyền địa phương; trong khi đốt phải chia các vật liệu cháy thành từng nhóm nhỏ và xử lý lần lượt, quá trình đốt phải bố trí đầy đủ người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.
Khi phát hiện cháy rừng phải báo cháy ngay cho người dân xung quanh, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và chính quyền địa phương nơi gần nhất biết và nhanh chóng thực hiện các biện pháp chữa cháy, ngăn chặn cháy lan.
Theo báo cáo của Cục 07, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, yếu tố thời tiết nắng nóng kéo dài cũng là điều kiện phát sinh cháy, đặc biệt là cháy rừng dẫn đến thiệt hại do cháy gây ra là rất lớn, kể cả tính mạng và tài sản của nhân dân. Năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản sơ bộ ước tính khoảng 878 tỷ đồng và 236 ha rừng. Trong tháng 1/2024, toàn quốc lại xảy ra 376 vụ cháy, làm chết 5 người, bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 73,89 tỷ đồng và 214,7 ha rừng.
Mới đây, vào lúc 13 giờ 40 phút ngày 19/2, lực lượng tuần rừng của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) phát hiện đám cháy đồi cỏ và rừng trồng tại Tiểu khu 286, khu vực Nà Háng (cách Trạm Kiểm lâm Séo Mý Tỷ khoảng 5km), thuộc thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng tiếp cận đám cháy dập lửa, khoanh vùng không để lan vào khu vực rừng già. Tuy nhiên, do điểm cháy nằm ở độ cao khoảng 1.900m so với mực nước biển, lớp thực bì dày, gió thổi mạnh và đổi hướng liên tục khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, nên đám cháy đã lan rộng gần 10 ha.