Tạo “cú hích” nâng cao nhận thức, chất lượng thuốc nội

Ông Trương Quốc Cường (ảnh), Thứ trưởng Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức về các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức sử dụng thuốc của các bác sĩ, tiến tới nâng cao tỷ lệ thuốc nội trong các cơ sở y tế.

Sau 3 năm triển khai Đề án “Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam”, ông đánh giá như thế nào về thói quen sử dụng thuốc nội ? Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có giải pháp gì để tăng thị phần thuốc nội trong các bệnh viện, đặc biệt là tuyến trung ương?

Đúng là trong quá trình triển khai Đề án đã cho thấy một số khó khăn. Đó là người dân, kể cả các bác sỹ vẫn chưa tin dùng thuốc nội, thói quen dùng thuốc ngoại vẫn còn phổ biến trong một bộ phận không nhỏ bác sỹ.

Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm đưa đến cộng đồng thông điệp “Thuốc Việt Nam chất lượng tốt, giá cả phù hợp”. Tất nhiên, các doanh nghiệp dược phải phấn đấu để nâng cao chất lượng thuốc nội, phải chứng minh bằng hiệu quả thực sự, có bằng chứng khoa học là thuốc nội cũng tương đương hiệu quả điều trị, tương đương chất lượng với thuốc ngoại nhập và đảm bảo chất lượng thuốc thực sự tốt để khi người bệnh uống thuốc thì khỏi bệnh. “Hữu xạ tự nhiên hương”, như vậy thì các bác sĩ và người dân mới thực sự tin dùng, tỷ lệ sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế cũng sẽ được nâng lên. Việc nâng cao chất lượng thuốc nội là biện pháp chính mà chúng tôi phải giám sát, đẩy mạnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, phía cơ quan quản lý sẽ chú trọng xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách để đặc biệt để ưu tiên cho thuốc nội, nhất là thuốc y học cổ truyền, sử dụng nguồn dược liệu trong nước.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BYT ngày 5 tháng 5 năm 2016 về việc ban hành danh mục thuốc trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị. Theo đó, Bộ Y tế đã công bố 146 sản phẩm thuốc mà nếu doanh nghiệp dược trong nước sản xuất đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp thì sẽ không nhập khẩu thuốc ngoại. 146 sản phẩm thuốc này có tỷ lệ sử dụng rất lớn, nên đây thực sự là một cú huých cho nền công nghiệp dược của Việt Nam.

Bộ Y tế cũng đã ban hành thông tư số 11 về hướng dẫn đấu thầu thuốc. Trong đó, cũng đưa ra nhiều chính sách “ưu tiên” cho thuốc nội…


Hiện nay, không chỉ người dân mà các bác sĩ cũng còn nặng tâm lý sính thuốc ngoại vì cho rằng “tiền nào của nấy”. Vậy thực tế, chất lượng thuốc nội có tương đương các thuốc ngoại vẫn nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc không, thưa ông?

Việc đánh giá chất lượng thuốc phải căn cứ vào cơ sở khoa học, dựa trên các bằng chứng thử tương đương sinh học, đánh giá độ an toàn và hiệu quả điều trị giữa thuốc sản xuất trong nước (thuốc generic) và thuốc biệt dược (thuốc gốc được phát minh đầu tiên và được cấp phép lưu hành trên thế giới).

Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi một thông tư quan trọng về thử thuốc tương đương sinh học nhằm tăng số lượng thuốc phải thử tương đương sinh học và tăng cơ sở thử tương đương sinh học. Như vậy, thuốc sản xuất trong nước sẽ ngày càng khẳng định được chất lượng và sẽ có được chỗ đứng xứng đáng trong quá trình tổ chức đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế.

Xin cảm ơn ông!
Hà Phương
Người dân chưa ưu tiên dùng thuốc nội
Người dân chưa ưu tiên dùng thuốc nội

Sau 3 năm triển khai đề án “Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam”, số lượng thuốc nội dùng trong các bệnh viện đã tăng nhưng chưa mạnh; tỷ lệ sử dụng tính theo giá trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương năm 2015 chỉ vẻn vẹn khoảng 11%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN