Thuốc nội vẫn khó “chen chân”
“Cháu nhà tôi có bảo hiểm y tế, có cả giấy chuyển viện nên tiền giường nằm viện không hết mấy. Tuy nhiên, tiền thuốc mua ngoài theo đơn kê của bác sĩ lên đến hơn 3 triệu đồng; trong đó, chủ yếu là thuốc ngoại”, chị Nguyễn Thu Nga, Vĩnh Tuy, Hà Nội, chia sẻ sau khi đưa con trai điều trị về từ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm dây chuyền sản xuất thuốc của Công ty Traphaco. |
Không chỉ chị Nga, mà nhiều người bệnh khác đều tỏ quan điểm việc kê đơn thuốc nội hay thuốc ngoại trước nay đều do một tay bác sĩ, nên dùng nhiều thành quen, đâm ra chính người bệnh cũng mắc bệnh “sính” thuốc ngoại, cho rằng “tiền nào của nấy”.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, nhiều doanh nghiệp dược trong nước cũng cho hay, thuốc nội đang khó “chen chân” vào các bệnh viện. Ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco, cho biết: Các sản phẩm thuốc đạt giải Ngôi sao thuốc Việt của công ty bán khá tốt tại các hiệu thuốc nhưng thời gian gần đây lại không tăng, thậm chí sụt giảm trong các cơ sở điều trị. Ví dụ, doanh thu thuốc Hoạt huyết dưỡng não năm 2015 giảm gần 60%, thuốc Boganic giảm trên 50%, thuốc Didicera giảm 26% so với năm 2013.
Lý giải về nguyên nhân, ông Trần Túc Mã chia sẻ, chi phí đầu tư cho chất lượng tại Traphaco cao hơn các doanh nghiệp nhỏ, bởi họ chỉ cạnh tranh về giá mà không chú trọng tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Nhưng nguyên nhân chính còn do Luật Đấu thầu của Việt Nam nặng về giá, chưa phân loại đấu thầu xếp hạng cho những sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng. Do vậy, trong quá trình đấu thầu tại các cơ sở y tế, những sản phẩm của doanh nghiệp dù đã đạt giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt của Bộ Y tế vẫn rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nhỏ.
Thống kê mới đây của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện thời gian qua đã tăng lên. Cụ thể, tại 61 tỉnh, thành, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện năm 2015 là 67,89% (năm 2010 - trước khi triển khai Đề án là 61,5%); tỷ lệ trung bình tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh năm 2015 là 35% (trước khi triển khai Đề án là 33,9%).
Đáng nói, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tính theo giá trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương năm 2015 vẫn còn thấp (khoảng 11%), thậm chí, có bệnh viện còn sử dụng dưới 5% như: BV Phụ sản Trung ương, BV Việt Đức, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Quốc gia… Nhiều doanh nghiệp đã sản xuất được các sản phẩm có tác dụng điều trị tốt, giá thành phù hợp với thu nhập của người dân nhưng lại yếu trong các khâu marketing nên chưa có chỗ đứng xứng đáng trong hệ thống cơ sở y tế.
Chính đại diện Bộ Y tế cũng thừa nhận, công tác vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” trong ngành y tế còn nhiều tồn tại. Một số sở y tế, bệnh viện chưa thực sự tích cực triển khai, công tác đánh giá, báo cáo tổng kết còn chậm. Đến nay chỉ có 25 cơ sở y tế báo cáo thành lập ban chỉ đạo triển khai Đề án cấp tỉnh.
Quảng bá cho thuốc nội chưa tương xứng
Theo ông Trần Đức Chính, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, mặc dù tỷ lệ sử dụng thuốc nội trong hệ thống các bệnh viện chưa như mong muốn, nhưng thực tế, Đề án “Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam”, đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức về sử dụng thuốc Việt đã được nâng lên đối với người dân và nhất là cán bộ y tế. Bên cạnh đó, cũng tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp dược trong nước. Cho đến đầu những năm 90, các doanh nghiệp vẫn chưa có khái niệm và chưa có cơ sở nào đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc). Nhưng sau khi Bộ Y tế có chủ trương thì hiện nay, hơn 160 nhà máy thuốc đã đạt tiêu chuẩn này.
“Muốn thay đổi thói quen sử dụng từ thuốc ngoại sang thuốc nội chắc chắn chúng ta cần nhiều thời gian hơn là 3 năm nhưng cơ quan quản lý cũng cần phải có những biện pháp cụ thể, quyết liệt hơn. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa việc giảm thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dược trong quá trình đưa thuốc nội ra thị trường”, ông Trần Đức Chính chia sẻ.
Ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, ông Chính cũng chỉ ra rằng để tăng tỷ lệ thuốc nội trong các bệnh viện và nhà thuốc, các doanh nghiệp dược cũng cần chủ động hơn trong việc đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng; đồng thời, cần phải quảng bá nhiều hơn cho thuốc nội. Theo ông, thuốc là hàng hóa đặc biệt, không chỉ liên quan trực tiếp sức khỏe, tính mạng của người sử dụng mà còn đặc biệt ở chỗ người bệnh không tự quyết định được mình dùng thuốc gì, tất cả đều do bác sỹ kê đơn. Vì vậy, các doanh nghiệp dược cần có động thái tích cực hơn để các bác sỹ hiểu rõ về chất lượng thuốc của mình.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: “Bộ Y tế là một trong những đơn vị thực hiện tốt chủ trương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và cũng là ngành duy nhất hưởng ứng cuộc vận động này bằng việc phát động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Điều này thể hiện được trách nhiệm của Bộ Y tế trước nhiệm vụ chính trị với đất nước. Cùng với đó, Bộ còn biểu dương các doanh nghiệp đạt Ngôi sao thuốc Việt, tạo điều kiện cho thuốc Việt phát triển… Thời gian tới, Bộ Y tế cần làm tốt công tác tuyên truyền, chú trọng đến vấn đề đánh giá tương đương sinh học của thuốc sản xuất trong nước. Tôi mong rằng, Bộ Y tế sẽ nắm bắt triển khai cuộc vận động trên như một công cụ phục vụ người dân và cũng là một thước đo y đức của người thầy thuốc”. |