Vận tải đường bộ đã ở trong tình trạng quá tải trong khi các hình thức vận tải lớn khác như đường sắt, đường không, đường thủy nội địa và đường biển chưa khai thác hết năng lực vận tải.
Do đó, theo Bộ Giao thông Vận tải, cần tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả các phương thức vận tải khối lượng lớn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải hàng hóa và giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Chưa khai thác hết năng lực vận tải
Đánh giá về khả năng hỗ trợ vận tải đường bộ của các phương thức vận tải khối lượng lớn, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngoại trừ tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã vận hành tối đa năng lực thông hành, các tuyến khác vẫn còn dư năng lực để tổ chức vận tải như: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - TP Hồ Chí Minh còn tăng được từ 3 - 5 đôi tàu/ngày đêm. Một số tuyến khác như Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên, Kép - Hạ Long còn khả năng tăng được 10 đôi tàu/ngày đêm. Giá cước vận tải hàng hóa đường sắt vẫn còn tương đối thấp so với các phương thức vận tải khác, nhất là các tuyến có cự ly dài như Sài Gòn - Hà Nội đang tính với khách hàng khoảng 1 triệu đồng/tấn hàng, bằng khoảng 50% so với vận chuyển côngtennơ đường bộ, bằng 33% so với vận chuyển hàng rời bằng đường bộ. Tuyến Hải Phòng - Lào Cai giá cước vận chuyển côngtennơ bằng đường sắt chiếm khoảng 60% so với đường bộ.
Kiểm tra trọng tải xe trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM. Ảnh: Hoàng hải - TTXVN |
Tương tự, đối với vận tải thủy nội địa và đường biển hiện cũng đang dư thừa 40 - 50% năng lực vận tải, trong khi giá cước thấp hơn nhiểu so với vận tải đường bộ. Trong khi đó, dù giá cước từ hàng không vẫn còn cao hơn nhiều so với vận tải đường bộ, nhưng nếu xét hiệu quả là thời gian vận chuyển nhanh thì giá cước cao cũng hấp dẫn được hành khách, nhất là đối tượng hành khách quan tâm tới giá trị thời gian.
Vấn đề chính ảnh hưởng đến năng lực vận tải đó là sự kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu. Hiện nay, hầu hết các đầu mối vận tải hành khách, hàng hóa khối lượng lớn (cảng biển, cảng hàng không, cảng sông, ga đường sắt) đều có kết nối cơ bản bằng đường bộ. Tuy nhiên, hạn chế cơ bản của kết nối đường bộ với các đầu mối lớn là năng lực xếp dỡ và trung chuyển côngtennơ còn rất hạn chế ở các cảng sông, ga đường sắt. Hầu hết các đơn vị vận tải lớn chưa quan tâm đến việc xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải.
Theo ông Trần Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airline, đầu tư nội địa tuyến ngắn góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ. Việc kết nối giữa các phương tiện giao thông là dài hạn nhưng trước mắt có thể tiến hành ở sân bay trên cơ sở khuyến khích khách hàng bay đêm, ngoài giờ cao điểm để tránh quá tải.
“Vấn đề là ngoài sân bay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì ở sân bay các địa phương hành khách ngại đi đêm do dịch vụ chưa thuận lợi, thiếu taxi và cả vấn đề an ninh. Cần có khuyến khích cam kết để tận dụng việc này”, ông Minh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Trung - Tổng Giám đốc Công ty vận tải đường sắt Hà Nội, ách tắc nhất hiện nay là tuyến Hà Nội - Lào Cai, dù khách hàng đến nhiều nhưng năng lực bốc dỡ hạn chế không đáp ứng được hết.
“Chúng tôi đã tăng cường các chuyến để xếp dỡ vào ban đêm ở ga Lào Cai nhưng bạn hàng không muốn do bốc xếp ban đêm cao gấp đôi ban ngày là 40.000 đồng/tấn. Ban ngày thì có thể làm thủ tục thông quan luôn nhưng ban đêm thì phải chờ. Hiện chúng tôi đầu tư hai băng chuyền chuyên chở xếp dỡ ở ga Lào Cai, trong khoảng 2 tháng nữa thì nâng năng lực xếp dỡ lên 130 xe/ngày”, ông Trung nói.
Cần có phương thức kết nối hiệu quả
Nhìn nhận về những yếu kém trong kết nối giữa các phương thức vận tải, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, vận chuyển ở tuyến đường sắt đi Lào Cai là có vấn đề khi khả năng bốc dỡ hai chiều từ đường sắt - ô tô thấp, điều này đòi hỏi hệ thống bốc xếp hiện đại. Khả năng kết nối của đường sắt vào trung tâm hàng hóa là rất yếu đòi hỏi có sự đầu tư. “Để tăng đôi tàu vận tải hàng hóa lên, đề nghị ngành đường sắt phải vay vốn để đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong khâu xếp dỡ, chống tiêu cực”, Thứ trưởng nói.
Đối với đường thủy, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, bến bãi ít, bốc xếp đường thủy cũng hạn chế thua xa các cảng tư nhân đầu tư trong phía Nam, đường bộ nối đường sắt với đường thủy cũng hạn chế, tải trọng lớn không vào được.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, qua việc thực hiện siết vận tải đường bộ, giá cước tăng có thể khiến nhu cầu vận tải từ đường bộ sẽ chuyển dần sang các phương tiện khác. Đường sắt, hàng không, đường thủy hãy coi đây là cơ hội để mình phát triển”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị phải đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận, chính bản thân mình phải có năng lực thì mới đáp ứng được nhu cầu phát sinh. Từng đơn vị phải nâng cao năng lực, cải cách thủ tục hành chính và giảm tiêu cực. Yêu cầu các doanh nghiệp cảng, vận tải các lĩnh vực nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, tính toán theo thị trường chứ không phải giá cước phân từng khúc như hiện nay.
“Vận tải phải tính trọn gói, kể cả hàng không cũng phải thay đổi, ban ngày thì quá tải nhưng ban đêm thì không có khách đi do thiếu phương tiện dịch vụ đi kèm. Ngành phải chủ động bàn với địa phương thu xếp dịch vụ tiện lợi phục vụ khách hàng chứ không phải chờ các địa phương lo trước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các Thứ trưởng trực tiếp giám sát các ngành mình phụ trách; trong đó chấn chỉnh, nâng cao năng lực của ngành đường sắt, khả năng kết nối với các phương thức vận tải khác. Hai công ty vận tải đường sắt khẩn trương cổ phần hóa, cổ đông giám sát thì mới chủ động nâng cao tính chuyên nghiệp.
“Các đơn vị chuyên môn đánh giá lại thực trạng kết nối vận tải hiện nay và đưa ra các giải pháp lâu dài theo hướng vận chuyển phải là trọn gói, có thể qua nhiều phương tiện vận tải nhưng chỉ một người chịu trách nhiệm thì mới giảm được chi phí”, Bộ trưởng yêu cầu.
Hoàng Tùng