Sau 15 ngày đồng loạt cân kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc cho thấy, nếu lực lượng chức năng các địa phương không làm quyết liệt, không xử lý công khai, minh bạch và chỉ cần lơi là, xe quá tải sẽ “tái diễn”.
“Án binh bất động”
Phóng viên báo Tin Tức đã cùng đi với Đội Thanh tra giao thông số 1 (Sở GTVT Hà Nam) kiểm tra tải trọng xe tại tỉnh lộ 494 nối từ QL1A với huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Tuyến đường này mới được nâng cấp, đưa vào sử dụng vài tháng trước, nhưng đã có nguy cơ xuống cấp vì mỗi ngày phải “cõng” tới hàng trăm lượt xe tải chở đất đá, xi măng, sắt thép… quần thảo. Mấy ngày qua, biết có lực lượng kiểm soát chốt chặn để kiểm tra tải trọng xe, nhiều xe đã “án binh bất động”, nối đuôi dừng đỗ bên lề đường cách xa trạm cân vài km để dò la, cố tình “né” sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Kiểm tra tải trọng xe tại trạm Quán Toan, Hải Phòng. |
Đại úy Trần Tuấn Anh, Tổ trưởng tổ công tác (Phòng CSGT Hà Nam) cho biết, việc cân xe được triển khai 24/24 giờ trong ngày. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên báo Tin Tức, sau khoảng 22 giờ, trạm cân và lực lượng chuyên ngành rút đi là xe quá tải lại hoành hành. Tình trạng “bắt ngày, bỏ đêm” đang tạo ra kẽ hở cho xe quá tải hoạt động.
Theo Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nam Nguyễn Quang Tuyển, tỉnh đặt 7 trạm tại các tuyến đường cửa ngõ tới các nhà máy, nhưng nửa tháng qua mới xử lý được 60 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, phải có đến hàng trăm xe vi phạm bị xử lý nếu lực lượng thanh tra kiểm soát chặt chẽ.
“Nhiều lái xe thanh minh, không chạy quá tải lấy đâu ra tiền để mãi lộ, chung chi cho các lực lượng chức năng. Vậy, không chạy quá tải nữa thì sẽ không phải mãi lộ. Kiểm soát tải trọng xe là nhiệm vụ liên tục, thường xuyên, bền bỉ, được thực hiện cho đến khi không còn tình trạng xe quá tải”. Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Tại trạm cân xã An Mỹ (huyện Tuy An, Phú Yên) có tình trạng lái xe tải đồng loạt cho dừng xe để tránh điểm cân tải trọng, gây ra cảnh ách tắc và kẹt xe kéo dài cả chục cây số từ xã An Phú, TP Tuy Hòa đến xã An Hiệp, huyện Tuy An. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, hàng trăm xe tải đậu chiếm gần hết lòng đường trên tuyến, khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, không ít lái xe chọn giải pháp “né” trạm cân bằng cách đi vào các đường liên xã, rồi mới vòng trở lại QL1. Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày có khoảng ba đợt xe quá tải qua mặt trạm cân, với hàng chục xe/đợt…
Tại trạm cân QL5, đoạn qua huyện Kinh Môn (Hải Dương), phóng viên ghi nhận trong mấy ngày qua, trạm cân gần như không xử lý được trường hợp nào, vì hầu hết lái xe tải chạy qua đều mở cửa thùng xe, cửa container để ra hiệu xe chạy rỗng. Tuy nhiên, cách đó chừng 1 km, cả đoàn xe tải chất đầy hàng, nối đuôi đỗ sát đường, chờ đến giờ “an toàn” để vượt trạm.
Anh Nguyễn Tiến Quang, một lái xe chạy trên tuyến này cho biết: “Mỗi ngày, tôi chở một chuyến hàng từ Quảng Ninh về Hưng Yên, đi qua QL5 và QL18. Chỉ được phép chở 7 tấn, nhưng xe của tôi thường xuyên chở đến 18 tấn. Biết có trạm cân kiểm soát và bắt hạ tải ngay nếu vi phạm, nên tôi và nhiều lái xe tải khác đều dừng tại đây để tránh kiểm tra...
Còn theo thống kê của Bộ GTVT, 15 ngày qua, cả nước đã kiểm tra gần 11.000 xe, trong đó có hơn 2.100 xe vi phạm, chiếm gần 20%. Tuy nhiên, hiện mới có 52/63 tỉnh, thành phố triển khai; các địa phương khác còn lại chưa mặn mà với chủ trương này. Không ít tỉnh như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Bến Tre… hưởng ứng ngày đầu ra quân, nhưng sau đó dừng lại và có 15/30 địa phương có QL1 đi qua chưa quyết liệt kiểm tra xe quá tải.
Phải làm công bằng, quyết liệt
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nhận định: Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang lo ngại lực lượng kiểm tra cân tải trọng xe theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, làm không nghiêm; khiến cho nhiều doanh nghiệp bị thiệt. Khi Bộ GTVT triển khai chủ trương này, các doanh nghiệp làm ăn chân chính đều đồng tình, thậm chí mong muốn được tham gia giám sát hoạt động cân xe tại các trạm cân.
Tuy nhiên, có thực tế, khi lực lượng chức năng ra quân kiểm soát xe quá tải thì không ít doanh nghiệp lại có những phản ứng tiêu cực như: “Án binh bất động” để nghe ngóng hoặc tìm mọi cách vượt trạm, mà vẫn chở quá tải. Thậm chí, tại một số địa phương như Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình… xảy ra tình trạng lái xe, chủ xe phản kháng lực lượng chức năng, phá hoại trạm cân.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh thừa nhận: Chưa có nhiều phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp vận tải. Nhiều doanh nghiệp còn có tâm lý chờ xem Bộ GTVT có triển khai mạnh mẽ, rốt ráo và lâu dài không. Hiệp hội đề nghị Bộ GTVT cần triển khai đồng loạt trên tất cả các tuyến đường, 24/24 giờ trong ngày.
Bài và ảnh:Tiến Hiếu