"Thi gan”... với trạm cân xe quá tải

Sau nửa tháng thực hiện việc kiểm soát xe ô tô quá khổ quá tải, trên cả nước đã có hàng nghìn lượt xe vi phạm bị xử lý. Việc đồng loạt ra quân trong cả nước xử lý xe vi phạm phần nào đã làm giảm được tình trạng xe chở quá khổ, quá tải trên các tuyến quốc lộ, được dư luận hưởng ứng cho rằng, đây là việc làm cần thiết góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.


Tuy nhiên, việc kiểm tra xe quá khổ quá tải bước đầu đã nảy sinh những bất cập. Mục đích đặt ra khi kiểm soát xe vi phạm tải trọng là phải hạ được tải trọng của xe (theo đúng đăng kiểm), nhưng hiện nay gần như không thể thực hiện được. Việc "phạt cho tồn tại" như hiện nay chẳng khác nào "bắt cóc bỏ đĩa", nảy sinh tiêu cực mãi lộ; rất nhiều lái xe “thi gan”, tập trung thành từng đoàn, cố tình không đưa xe vào các trạm cân, gây tình trạng ách tắc giao thông cục bộ. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thật mặn mà với việc đặt trạm cân xe quá tải, bởi lo ngại nếu làm mạnh sẽ không thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư.... Theo quy định phải tiến hành kiểm tra 24/24 giờ, nhưng một số trạm kiểm tra chỉ làm việc theo giờ hành chính, nên để lọt nhiều phương tiện. Chưa kể, một số khu vực trạm cân trở thành miếng mồi cho giới “cò” hành nghề dẫn xe quá tải qua trạm để ăn hoa hồng...


Thực tế cho thấy, trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường nội thành, nội thị, nhiều xe tải quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động. Câu hỏi về sự minh bạch đối với các trạm kiểm soát lại được đặt ra khi các đoàn xe rồng rắn xếp hàng không chịu qua trạm cân, nhưng chỉ sau một đêm là trót lọt cả mà rất ít xe phải chịu hạ tải, chịu phạt. Những nghi ngại nêu trên không phải là không có cơ sở. Còn nhớ, tháng 9/2010, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt quả tang kíp trực gồm hai nhân viên của Trạm cân tải trọng Dầu Giây (Trảng Bom, Đồng Nai) nhận tiền của tài xế xe quá tải.

 

Nắm được tâm lý lái xe không muốn tốn tiền phạt và thuê nhân công, bến bãi để hạ tải…, các nhân viên của Trạm Dầu Giây đã can thiệp vào hệ thống máy tính để xuất phiếu cân xe đúng tải trọng quy định, rồi cho xe đi hoặc xe quá tải không qua cân động, nhưng vẫn được các nhân viên của trạm “phù phép” bằng cách tác động vào máy tính. Không những thế, cơ quan chức năng còn phát hiện có cả “thiết bị là”, được gắn ở hộp điều khiển cân động của trạm, khiến hệ thống cân xe hoạt động “không bình thường”.


Từ vụ việc tiêu cực ở Trạm cân Dầu Giây, nhiều người lo ngại tình trạng tiêu cực, mãi lộ sẽ tái diễn khi các trạm cân kiểm soát tải trọng được lắp đặt trên phạm vi cả nước?


Do cơ quan chức năng đã bỏ một thời gian quá dài không kiểm soát nên chở quá tải đã trở thành một cuộc đua, người này làm được thì người kia cũng làm được. Nay hoạt động kiểm soát xe quá tải được tiến hành động chạm đến lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, khiến họ tìm mọi cách đối phó, thậm chí chống đối, gây áp lực với cơ quan chức năng.


Theo nhiều chuyên gia, để việc kiểm soát tải trọng xe thật sự triệt để, cần thực hiện đồng bộ nhiều khâu, từ nhập khẩu, đăng kiểm xe, các nguồn hàng, các chủ cảng, chủ mỏ, các chủ công trình đều phải có trách nhiệm trong việc kiểm soát tải trọng xe. Quan trọng hơn cả là cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào chính quyền quyết tâm, tạo điều kiện cho lực lượng liên ngành hoạt động, thì ở địa phương đó, việc ngăn chặn xe quá tải rất có hiệu quả.


Yến Nhi

Xe chở quá tải 'né' trạm cân lưu động
Xe chở quá tải 'né' trạm cân lưu động

Bắt đầu từ tháng 4/2014, Quảng Ngãi đưa trạm cân lưu động vào hoạt động liên tục trên Quốc lộ 1. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý xe chở quá tải rất ít vì phần lớn xe đều tìm cách né đi qua trạm cân này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN