Tạm đình chỉ hoạt động nhà máy chế biến sắn ở Điện Biên 

Ngày 4/12, Đoàn Công tác Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Điện Biên), Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) và UBND huyện Điện Biên đã kiểm tra và đình chỉ tạm thời hoạt động Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp (địa chỉ bản Pá Hẹ, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên) kể từ 15 giờ ngày 4/12; yêu cầu giữ nguyên hiện trạng nhà máy để điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt ở khu vực suối gần nhà máy.

Chú thích ảnh
Nhà máy chế biến sắn Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp trước thời điểm tạm dừng hoạt động. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Trước đó, vào sáng 4/12, người dân một số bản dọc suối Nậm Núa, qua địa phận xã Núa Ngam, huyện Điện Biên phát hiện cá chết hàng loạt, nổi nhiều trên mặt suối nên đã thông báo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Nhận tin báo, Đoàn công tác liên ngành cùng chính quyền các xã Hẹ Muông, Núa Ngam (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã xuống địa bàn xác minh và kiểm tra, qua đó, ghi nhận có hiện tượng cá chết trên đoạn suối từ sau khu vực Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn công tác chưa phát hiện Nhà máy có dấu hiệu xả thải gây ô nhiễm môi trường, tác động đến hệ sinh thái lòng suối. Tuy nhiên, để phòng ngừa, Đoàn công tác yêu cầu Nhà máy tạm dừng hoạt động. Cùng với đó, Phòng Cảnh sát Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường lấy mẫu nước tại 3 điểm để xác định hàm lượng các chất theo quy định pháp luật. 

Chú thích ảnh
Nhà máy chế biến sắn Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp trước thời điểm tạm dừng hoạt động. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Trước đó, ngày 15/3/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 189/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư đối với Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông với công suất 80 tấn sản phẩm tinh bột sắn/ngày; diện tích sử dụng 20.000 m2; tổng vốn thực hiện dự án 70 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án 50 năm. Mục tiêu của dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông là thu mua sản phẩm sắn củ, sắn laát khô để chế biến thành tinh bột sắn; hình thành mô hình sản xuất chuỗi liên kết khép kín giữa người dân và doanh nghiệp; nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Được biết, đầu năm 2018, Nhà máy chế biến sắn của Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp từng xảy ra vỡ bể chứa chất thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái suối Nậm Núa, làm cá chết hàng loạt. Vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý đúng pháp luật.

Xuân Tư - Xuân Tiến (TTXVN)
Kiểm tra việc bảo vệ môi trường của nhà máy chế biến hải sản sau khi TTXVN phản ánh
Kiểm tra việc bảo vệ môi trường của nhà máy chế biến hải sản sau khi TTXVN phản ánh

Công ty Thu Trọng I là cơ sở bị những người nuôi thủy sản ở khu phố Phú Hà (phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ) nghi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản mà trước đó TTXVN đã phản ánh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN