Sẽ di dời Nhà máy chế biến gỗ của Công ty 30/4 Gia Lai khỏi khu dân cư

Dù đã dừng việc chế biến gỗ cao su từ tháng 3/2017 vì bị người dân phản đối, song đến cuối tháng 2/2018, Nhà máy chế biến gỗ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn 30/4 Gia Lai lại tiếp tục sản xuất.

Nhà máy chế biến gỗ Công ty TNHH 30/4 Gia Lai gây ô nhiễm môi trường.

Khói và nước xả từ nhà máy khiến người dân tại tổ dân phố 1, phường Thắng Lợi (thành phố Pleiku) một lần nữa khiếu nại lên chính quyền địa phương và yêu cầu nhà máy dừng hoạt động.

Sau khi tiếp nhận thông tin khiếu nại của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai đã vào cuộc kiểm tra, xử phạt 90 triệu đồng đối với doanh nghiệp vì lỗi chưa bao phủ cây xanh trong khuôn viên công ty. Công ty Trách nhiệm hữu hạn 30/4 Gia Lai cam kết dừng hoạt động và di dời trong quý IV năm 2017. Thế nhưng, đến nay công ty tiếp tục hoạt động và gây ô nhiễm khiến người dân rất bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Sứ (sinh năm 1965, tổ dân phố 1, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku) cho biết, mùi hôi từ ống xả khói của nhà máy ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Nhà máy đã có quyết định ngừng sản xuất từ tháng 3/2017 nhưng đến giờ vẫn hoạt động.

Còn theo bà Ngô Thị Thu Hồng (sinh năm 1973, tổ dân phố 1, phường Thắng Lợi) người dân phải chịu nhiều hậu quả từ việc Nhà máy chế biến gỗ cao su của Công ty Trách nhiệm hữu hạn 30/4 Gia Lai xả thải ra môi trường. “Trẻ nhỏ ra đường đều phải bịt khẩu trang bởi không thể chịu nổi mùi hôi từ ống xả khói của nhà máy. Phía sau nhà máy còn rò rỉ nước xả màu đen, có mùi hôi. Chúng tôi không biết là nước gì, mức độ nguy hiểm như thế nào và liệu có ngấm xuống mạch nước ngầm mà hàng trăm hộ đang sử dụng hay không”, bà Hồng lo lắng.

Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn An - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn 30/4 Gia Lai cho biết: Sau khi ngừng hoạt động từ tháng 3/2017, công ty đã tìm quỹ đất để xây dựng và di dời Nhà máy chế biến gỗ cao su ra khỏi khu dân cư phường Thắng Lợi. “Hiện nay, chúng tôi đã tìm được quỹ đất xây dựng ở Khu công nghiệp Diên Phú, thành phố Pleiku. Dự kiến thời gian xây dựng khoảng 4 tháng. Tuy nhiên, để giải quyết một số hợp đồng thu mua ùn ứ từ năm 2017 nên chúng tôi tiến hành sản xuất lại, mong bà con thông cảm”, ông An cho biết.

Tuy nhiên, người dân tại phường Thắng Lợi không đồng ý. “Chúng tôi không thể thông cảm cho công ty được. Công ty xây dựng nhà máy trong vòng 4 tháng và trong 4 tháng đó, nếu để Nhà máy chế biến gỗ cao su tiếp tục hoạt động thì người dân sẽ lại phải sống trong một môi trường ô nhiễm. Chúng tôi không đánh đổi bất cứ điều gì cho sức khỏe của gia đình mình”, ông Nguyễn Văn Sứ cho biết.

Vấp phải sự kiên quyết phản đối của người dân phường Thắng Lợi, ông Nguyễn An chấp nhận sẽ dừng việc sản xuất gỗ cao su. Tuy nhiên, theo ông An, do đang sản xuất dang dở nên có một lượng gỗ đã được đưa vào lò sấy, phía công ty đã xin ý kiến của lãnh đạo UBND cũng như người dân tại phường Thắng Lợi cho phép công ty sản xuất đến ngày 23/3 sẽ dừng hoàn toàn. Hiện công ty đã không nhập gỗ về nữa mà đi thuê một nhà máy khác để giải quyết gỗ tồn đọng trên các vườn, đồng thời tìm phương án giải quyết việc làm cho các công nhân. Khi nhà máy mới được đưa vào sử dụng, công ty sẽ di dời toàn bộ về vị trí mới.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết, sau khi nhận báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn 30/4 Gia Lai về tình hình sản xuất, UBND phường đã mời đại diện một số hộ dân cũng như công ty lên làm việc. “Sau khi thống nhất ý kiến, đại diện các hộ dân cũng đồng ý để công ty tiếp tục sản xuất đến hết ngày 23/3. Sau thời điểm này, nếu phía công ty không thực hiện đúng cam kết, chính quyền địa phương sẽ có những phương án buộc công ty dừng việc sản xuất. Dù rất thông cảm và chia sẻ với công ty, song sức khỏe của người dân phải được đặt lên hàng đầu", ông Quang nhấn mạnh.


Tin, ảnh: Dư Toán (TTXVN)
Nước thải nhà máy chế biến tinh bột sắn vượt quy chuẩn gấp nhiều lần
Nước thải nhà máy chế biến tinh bột sắn vượt quy chuẩn gấp nhiều lần

Liên quan đến sự cố vỡ ao chứa chất thải tại nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp-Điện Biên (xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) xảy ra vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15/1, khiến khoảng 1.750 m3 chất thải chưa qua xử lý chảy trực tiếp ra suối Nậm Núa, gây hiện tượng dòng suối bốc mùi hôi thối, cá và các loại thủy sinh chết hàng loạt nổi trên mặt suối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN