Ông Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đến 16 giờ ngày 21/8, chính quyền địa phương đã cơ bản san lấp hết 5 hố sụt lún đất ở tổ 3 khu Thủy Sơn, phường Cẩm Sơn, đồng thời đề nghị trước 18 giờ cùng ngày 7 hộ dân gần nơi bị sụt lún đất phải di dời đến nơi an toàn.
Một khu nhà dân bị sạt lở nghiêm trọng sau bão. Ảnh: baoquangninh |
Từ rạng sáng ngày 21/8, tại tổ 3 khu Thủy Sơn, phường Cẩm Sơn xuất hiện nhiều điểm sụt lún đất, tạo ra các hố lớn ở sát đường đi và khu dân cư. Ông Lưu Đình Sơn, ở tổ 3 khu Thủy Sơn cho biết: Từ sáng sớm, ông đã phát hiện ra sự cố sụt lún đất, tường nhà ông bị lún, cửa nhà bị đè chặt không mở được. Ông Sơn phải nhờ hàng xóm phá cửa mới ra khỏi nhà được.
Sát nhà ông Sơn xuất hiện một ổ gà nhỏ, sau vỡ ra tạo thành hố lớn. Hiện tượng sụt lún đất vẫn kéo dài đến chiều cùng ngày.
Trong khu vực sân và vườn nhà dân đã xuất hiện 5 hố sụt lún đất nằm sát trên đường giao thông. Miệng hố sụt lún rộng nhất tới hơn 10 mét, sâu 3–4 mét.
Hiện tượng sụt lún đất, tạo hố sâu khiến 7 ngôi nhà bị nứt tường hoặc chân móng nhà bị rỗng, nguy cơ nhà có thể sập bất cứ lúc nào.
Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền thành phố Cẩm Phả đã huy động lực lượng, phương tiện chở đất đá đến san lấp các hố sụt lún, tổ chức di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi ở tạm an toàn.
Từ năm 2012 trở lại đây, trên địa bàn 2 thành phố Hạ Long và Cẩm Phả liên tiếp xuất hiện sụt lún đất bất thường. UBND thành phố Cẩm Phả đã mời Công ty cổ phần Công nghệ Địa Vật lý thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đến kiểm tra, khảo sát hiện tượng này. Ngày 5/8, Công ty cổ phần Công nghệ Địa Vật lý đã có báo cáo sơ bộ kết quả khoa học về các điểm sụt lún trên địa bàn thành phố thời gian từ giữa năm 2012 đến nay.
Theo báo cáo sơ bộ bước đầu bằng các thiết bị chuyên dùng, các cán bộ khoa học của Công ty cổ phần Công nghệ Địa Vật lý chụp cắt lớp địa chất để khảo sát tại các tổ 50 và 51 khu Hải Sơn 1, phường Cẩm Đông.
Kết quả do ảnh điện 2D cho thấy: Địa tầng khu vực khảo sát được phân thành 3 lớp tầng chủ yếu, lớp thứ nhất là lớp bề mặt có độ dày từ 1 đến 6m, lớp thứ 2 là lớp đất đá chứa nước chiều dày thay đổi từ 10 đến 15m, lớp thứ 3 là lớp đất đá rắn chắc có độ sâu từ 10 đến 15m trở xuống. Qua các hình ảnh thu được khẳng định khu vực khảo sát có cấu trúc địa chất tương đối ổn định, không có biểu hiện hoạt động kiến tạo và đứt gãy; hiện tượng sụt lún xảy ra cục bộ trên nền đất có bề dày lớp bề mặt chịu tác động của động thái nước dưới bề mặt đất... Để có báo cáo tổng thể cần có thời gian và cần các thiết bị kỹ thuật chuyên dùng nghiên cứu sâu hơn.
UBND thành phố Cẩm Phả đã yêu cầu Công ty cổ phần Công nghệ Địa Vật lý tiếp tục hoàn thiện báo cáo khảo sát; các cơ quan chức năng và các phường Cẩm Tây, Cẩm Đông, Cẩm Sơn thông báo rộng rãi kết quả khảo sát ban đầu để nhân dân yên tâm sinh hoạt... UBND thành phố tiếp tục đề xuất, có kế hoạch khảo sát đánh giá địa chất tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố.
Văn Đức