Hình ảnh Phnom Penh những ngày tháng Khmer Đỏ mới tháo chạy khỏi thành phố này vẫn rõ như in trong tâm trí ông Hoàng Xuân Liệu, cựu chuyên gia Bộ Thương nghiệp, (nay là Bộ Công Thương) thuộc Đoàn Chuyên gia Chính phủ (A40).
Trước mắt ông, đấy không phải là một đô thị phồn thịnh như những năm 1960 mà là vùng đất chết, theo đúng nghĩa đen. Không có sự sống. Không điện, không nước. Phố phường vắng tanh. Cỏ dại mọc um tùm. Gió thổi hun hút. Nhà cửa im lìm. Không một bóng người. Không có cả tiếng chó sủa. Chỉ có tiếng súng đại bác từ phía rừng xa vọng về.
Campuchia đã kiệt quệ dưới thời cai trị của Pol Pot: 3 triệu dân trong tổng số hơn 8 triệu người đã chết, trong đó hơn 1,2 triệu người chết vì bị hành quyết, số còn lại chết vì đói. Mồ chôn người tập thể trên khắp đất Angkor…
“Có một hình ảnh ám ảnh tôi suốt cuộc đời là một chiều tản bộ trong Phnom Penh, khi ngồi xuống tảng đá gần công viên, tôi di chân vào mô đất gần đó thì bật ra những bộ xương đùi, xương sọ người. Nên không sai khi nói Phnom Penh lúc đó là thành phố chết, là những hố chôn người tập thể”, ông Hoàng Xuân Liệu kể.
Dòng ký ức ông Hoàng Xuân Liệu trôi về những ngày tháng đang công tác tại Viện Kinh tế, Bộ Thương nghiệp thì nhận nhiệm vụ cùng Đoàn Chuyên gia Chính phủ (A40) sang Campuchia để khảo sát tình hình, giúp tổ chức các đoàn chuyên gia qua vực nước bạn dậy sau khi Khmer Đỏ bị đánh đuổi, truy quyét. Chuyến đi đó cũng mở đầu cho những năm sau này. Ông làm Trưởng đoàn giáo viên với nhiệm tham mưu giúp Chính phủ và Bộ Thương nghiệp Campuchia xây dựng bộ máy, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Học viên là những người được tuyển chọn từ các tỉnh của Campuchia. Mỗi lớp khoảng 60 người, học trong thời gian từ 4 đến 6 tháng.
Và những ngày tháng tuổi trẻ trên đất bạn, bên cạnh việc trực tiếp hướng dẫn những điều căn bản trong Thương nghiệp như điều lệ, thủ tục về bán lẻ hàng hóa, xuất nhập kho, kho tàng, ông Liệu cùng các chuyên gia khác và những học viên Campuchia lại đồng cam cộng khổ, chia sẻ cho nhau từng hạt gạo, viên thuốc, mớ rau…
“Bộ Thương nghiệp mới thành lập, người thiếu vô cùng. Nhưng sau 2 năm thì chúng tôi đào tạo, hướng dẫn được khoảng 6 lớp, đủ giúp bạn hình thành bộ máy. Lúc đó chúng tôi có một niềm tin tốt đẹp về tương lai của Campuchia khi nhìn vào tinh thần học hỏi của các bạn. Chăn - Phin, vị Bộ trưởng Thương nghiệp đầu tiên hàng ngày đều đến trao đổi, hỏi xem tình hình công việc, tổ chức bộ máy đến đâu, học viên tiếp thu kiến thức như thế nào. Ông còn đề nghị ta tham mưu về các tiêu chí; việc tìm người, tuyển dụng cán bộ, công chức vào bộ máy”, ông Liệu cho biết.
Cũng từng chứng kiến những kiệt quệ của xứ sở Chùa Tháp, ông Đỗ Trọng Khiêm, chuyên gia Việt Nam tại Bộ Giao thông và Bưu điện Campuchia từ năm 1979 đến năm 1981, cho biết: "Có một niềm tin vào sự phục hồi, tương lai tươi sáng của đất nước này, dù lúc đó đang thiếu thốn đến cùng cực". Và minh chứng là mới đây khi đến thăm Campuchia theo lời mời của Chính phủ nước này, ông cùng nhiều chuyên gia khác vui mừng xen lẫn tự hào khi thấy các thành phố Phnom Penh, Kampong Thom, Xiêm Riệp đang sôi động, vươn mình trong thế kỷ 21.
Mừng cho những thành tựu phát triển của nước bạn, ông lại bồi hồi đứng trước tượng đài quân tình nguyện Việt Nam, lồng lộng gió giữa đại lộ đẹp nhất ở Phnom Penh, cùng một dọc đường với đài Độc Lập và ngay sát cạnh Hoàng gia Campuchia.
Ông lại nhớ một thời tuổi trẻ xách ba lô lên đường thực hiện nhiệm vụ tái tạo ngành giao thông của Campuchia; thu gom, tu sửa, biến hàng trăm xe ô tô “chết” thành xe “sống” để làm phương tiện đón người dân nước này tị nạn hồi hương. Và đặc biệt, trực tiếp giúp Chính phủ, Bộ Giao thông và Bưu điện Campuchia soạn thảo Luật Giao thông đường bộ…
Lần giở những tấm hình, những giấy tờ tùy thân trên đất Chùa Tháp cách đây bốn mươi năm, vị chuyên gia mở đường cho cáp treo phát triển ở Việt Nam những năm 1990, kể một câu chuyện khó quên. Trong những đêm ở Phnom Penh, gặp tiếng chổi tre và trò chuyện với người lao công trên phố, nghe câu nói “cháu là người Sài Gòn”, ông hiểu rằng, sang giúp đỡ Campuchia trong mười năm sau khi đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ không chỉ có những người lính tình nguyện, cán bộ, chuyên gia như ông mà có cả những nhân viên của Việt Nam.
Và ông càng hiểu thêm rằng, trong điều kiện đất nước ta đang bị bao vây, cấm vận, áp lực từ khắp các phía mà ta vẫn đốc hết sức người, sức của để giúp bạn thì đó là sự giúp đỡ vô giá, không chỉ là về xương máu. Và tình nghĩa của Việt Nam đối với nước láng giềng là hoàn toàn trong sáng.
Như những chia sẻ của Đại tá Trịnh Vĩnh Pha, nguyên Trợ lý Trưởng ban B68, Phó Trưởng ban Thường trực Ban liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia: Ngày 16/6/1978 Bộ Chính trị đã ra Quyết định số 20/BCT thành lập Ban Công tác Z Trung ương, lấy bí danh là Ban B68 trực thuộc Trung ương Đảng.
Ban B68 thực hiện chức năng cơ quan tham mưu của Đảng, Nhà nước, nhanh chóng chuẩn bị thực lực cho cách mạng Campuchia để khi thời cơ đến giúp bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, xây dựng lại đất nước, chấm dứt chiến tranh giữa Campuchia và Việt Nam, khôi phục lại quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Song song thực hiện những nhiệm vụ này, Ban B68 đã đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng cho điều động cán bộ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương vào thành lập các Đoàn chuyên gia chuẩn bị sẵn sàng giúp bạn. Do có sự chuẩn bị chu đáo từ trước nên sau khi quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, chuyên gia ta đã có mặt, nhanh chóng giúp bạn khôi phục lại đất nước, hồi sinh dân tộc.
“Có thể nói ta đã giúp bạn xây dựng những tiền đề quan trọng của cuộc cách mạng, đặc biệt đã làm tốt việc giúp bạn tuyển chọn nhân sự. Đến nay, sau 40 năm những cán bộ ta giúp đỡ ngày trước vẫn là lực lượng nòng cốt của cách mạng Campuchia”, Đại tá Trịnh Vĩnh Pha nhấn mạnh.
“Có ngôi nhà khi mở cửa nhìn vào trong thì thấy còn nguyên mâm cơm. Thức ăn khô cứng, mốc xanh mốc đỏ. Chắc họ chưa kịp ăn thì lính Pol Pot xộc đến buộc rời khỏi thành phố hoặc bắt giam, đưa đi hành quyết”, ông Hoàng Xuân Liệu, cựu chuyên gia Bộ Công thương, thuộc Đoàn Chuyên gia Chính phủ (A40) nhớ lại.
Bài cuối: Sắc hoa nơi biên viễn