Ngắm sắc hoa trong nắng gió biên viễn những ngày cuối năm 2018, cảm nhận từ nơi đây, dấu mốc hữu hình và cả “vô hình” đang tỏa ra, hướng về một biên giới vì tình đoàn kết, hữu nghị, ổn định và phát triển.
Giải thích về sự “hiện diện” của bằng lăng tím, ngọc lan và chămpa đang vươn những cành xanh tươi, khỏe khoắn chung quanh “Cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào”, Đại tá Lê Minh Chính, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kon Tum cho hay: “Việc trồng 27 cây hoa này quanh cột mốc 3 biên mang ý nghĩa hết sức đặc biệt”. Cột mốc ba biên được khánh thành 10 năm trước, đặt tại đúng vị trí thuộc khu vực Đồn biên phòng 677, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, tiếp giáp 2 tỉnh Attapư của Lào và Rattanakiri của Campuchia.
Ở nơi "một con gà gáy cả 3 nước đều nghe" và mang vị thế địa lý, chính trị hết sức quan trọng, là điểm giao thoa, cầu nối giữa ba nước, như lời của Đại tá Lê Minh Chính: “Chúng tôi mong muốn chung quanh cột mốc ba biên là những loài hoa đặc trưng của ba dân tộc”.
“Sen là quốc hoa của Việt Nam nhưng lại mọc dưới nước nên sau khi cân nhắc, chúng tôi đã chọn ngọc lan là loài hoa có hương thơm nồng nàn, xua đuổi điểm xấu mang may mắn đến. Với Lào thì đương nhiên là hoa đại hay còn gọi là hoa chămpa. Với Campuchia, chúng tôi thấy bằng lăng tím mọc thành những vạt rừng rất đẹp phía biên giới của bạn. Những chuyến tuần tra chung cùng lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Rattanakiri, khi hỏi thì bạn bảo chưa có quốc hoa như Lào, Việt Nam nhưng trong các sự kiện, chương trình lớn của Campuchia đều có sắc tím bằng lăng. Bạn còn ngỏ ý trồng cây này tại cột mốc ba biên. Và ngày 4/11 vừa qua, lực lượng biên phòng ba nước đã tổ chức trồng 27 cây này để tượng trưng tình hữu nghị, gắn bó keo sơn”, Đại tá Lê Minh Chính kể lại.
Thế nhưng, ý nghĩa những cây ngọc lan, bằng lăng tím, chămpa chung quanh cột mốc dường như không chỉ có vậy. Dù không nói hết nhưng có thể hình dung những tâm tư của người sỹ quan biên phòng nơi ngã ba Đông Dương và “thông điệp” từ những thân cây đang vươn chồi xanh cành biếc, khoe sắc hoa trên mảnh đất bom đạn cày xới năm nào.
Một dải biên viễn Tây Nam đang thay da đổi thịt. Vết tích ruộng đất bỏ hoang hóa 40 năm trước cũng không còn trên bình nguyên đất đỏ. Không chỉ có lúa, mà rừng cao su bạt ngàn cùng vườn cà phê, hồ tiêu đã mọc lên rất đỗi hiền hòa. Và cách không xa cột mốc ba biên là Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đang dần khởi sắc.
Một trong tám khu kinh tế trọng điểm của cả nước, mang vị trí rất thuận lợi trong việc giao thương phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và các nước trong khu vực Đông Nam Á, hứa hẹn những lạc quan khi tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua đây sẽ từ con số hàng trăm triệu USD mỗi năm lên đến khoảng 1 tỷ USD vào năm 2020, còn thu ngân sách sẽ đạt 1.000 tỷ đồng.
Cũng chưa nguôi quá khứ như Bờ Y, sự sống vẫn đang phát triển hàng ngày, từng giờ trên mảnh đất Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Những ngôi nhà kiên cố đã mọc lên ven những con đường được trải nhựa thẳng tắp. Từng dòng người từ khắp nơi đang đổ về đây giao thương, mua bán đủ các loại hàng hóa, từ nông sản, hải sản… đến đồ gia dụng, lưu niệm.
Những nông dân sản xuất giỏi, những thanh niên lập nghiệp và các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao của đồng bào người Khmer, người Kinh đang góp phần đưa thị trấn này thành một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ của huyện Tri Tôn. Cùng sự thay da đổi thịt trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, những kế thừa truyền thống giao hảo đoàn kết, cùng xây dựng cuộc sống hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc anh em trên cùng dãy Trường Sơn, cùng uống nước nguồn từ nhiều con sông chảy từ Tây sang Đông, đang để lại những ấn tượng tốt đẹp.
Điều đó không chỉ bởi những con số trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tốt đẹp với hàng trăm dự án đầu tư giữa hai quốc gia, hay kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến gần 3,8 tỷ USD trong năm 2017 và mục tiêu đạt 5 tỷ USD vào thời gian tới, mà còn thể hiện ở một phong trào với tên gọi thân thương: “Ươm mầm hữu nghị”. Đây là một sáng kiến của Hội Hữu nghị Việt Nam -Campuchia vào năm 2011 với việc các gia đình Việt Nam nhận giúp đỡ lưu học sinh Campuchia.
Kể từ khi phát động đến nay, đã có hơn 100 lưu học sinh Campuchia có hoàn cảnh khó khăn được gia đình các cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia hoặc những cán bộ Việt Nam từng có thời gian công tác ở Campuchia và một số cán bộ trong Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia nhận đỡ đầu. Nhiều lưu học sinh đã rất xúc động trước tình cảm này và nói rằng, việc làm này giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà, góp phần làm đầy thêm tình cảm với nhân dân Việt Nam.
Theo ông Vũ Vương Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Việt Nam - Campuchia: Sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot năm 1979, từ năm 1981 đến nay, nước ta đã tiếp nhận và đào tạo trên 4.000 sinh viên Campuchia trong những ngành mũi nhọn, từ khoa học kỹ thuật, y học, nông nghiệp, quân sự và nhiều lĩnh vực khác.
Trở về nước, các lưu học sinh Campuchia đã và đang có những đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước.
“Cách đây ít lâu, trong chuyến thăm Campuchia của Đoàn đại biểu Trung ương Hội, khi nghe báo cáo về việc này, chính Quốc vương Sihamoni đã coi phong trào Ươm mầm hữu nghị là nhịp cầu nối tình hữu nghị truyền thống, góp phần làm đượm nồng hơn quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia”, ông Vũ Vương Việt cho hay.