Sau khi bão tan, ngày 8/9 cầu phao đã được lắp đặt trở lại an toàn để đảm bảo giao thông trên Quốc lộ 37B. Nhưng sau đó, sông Ninh Cơ đoạn qua cầu phao Ninh Cường nước lũ lên nhanh, dòng chảy mạnh, không đảm bảo an toàn vận hành nên cầu Phao Ninh Cường đã dừng hoạt động từ sáng 10/9.
Trong thời gian cầu phao dừng vận hành, nước sông Ninh Cơ nhanh chóng lên cao trên mức báo động 3, nước chảy xiết kéo theo nhiều bèo, củi, cây cối,… trôi đến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu và an toàn của cầu. Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định đã chỉ đạo đơn vị vận hành, khai thác sử dụng máy móc, thiết bị, nhân lực để gia cố và gạt rác, củi, bèo… nhằm hạn chế áp lực lên cầu. Tuy vậy, lũ tiếp tục dâng cao, chảy xiết, cây cối trôi dạt tiếp tục dồn về với số lượng lớn, đến 18 giờ 45 ngày 11/9, liên kết giữa các phao không đảm bảo an toàn.
Sau khi kiểm tra nhận thấy liên kết giữa các phao bị bong bật làm cho cầu phao có hiện tượng bị vặn và xô lệch, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định và Sở Giao thông vận tải Nam Định trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo rà soát, gia cường liên kết giữa các phao và neo. Sau đó rút toàn bộ nhân công, máy móc lên bờ để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về tài sản.
Nhưng do nước lớn, dòng chảy xiết nên liên kết giữa các phao và dàn bailey phía Nghĩa Hưng bị mất. Các neo cáp dưới sông phía thượng lưu bị đứt, hệ thống cầu phao xô lệch mất liên kết đẩy về phía hạ lưu cách vị trí ban đầu 30-40m; không có thiệt hại về người và phương tiện đường bộ, các ca nô tại bến đảm bảo an toàn.
Hiện tại các phao đã mất liên kết đã được neo đậu phía hạ lưu từ 100-150m, tuy nhiên lượng rác, củi vẫn tiếp tục tràn về mắc ở các phao. Hai canô vẫn đang làm nhiệm vụ ổn định các phao này để đưa vào âu dấu khi đảm bảo điều kiện, dàn bailey phía Trực Ninh đêm qua đã bị lũ cuốn.
Sở Giao thông vận tải Nam Định chủ động phối hợp với lực lượng chức năng triển khai phân luồng giao thông từ xa và nội bộ khu vực xảy ra sự cố. Đồng thời cắm biển báo hướng dẫn, điều tiết giao thông và thông tin việc cấm đường, phương án phân luồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân lưu thông qua khu vực này được biết và thực hiện; cử lực lượng canh gác, bố trí rào chắn, báo hiệu ở hai đầu cầu ngay từ khi xảy ra sự việc; phối hợp lực lượng chức năng bảo đảm an toàn, an ninh trật tự khu vực, hướng dẫn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Để bảo đảm lưu thông trên Quốc lộ 37B được an toàn, thông suốt, sớm khắc phục sự cố do bão lũ, Sở Giao thông vận tải Nam Định đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa; quan tâm bố trí kinh phí và vật tư dự phòng để khắc phục hậu quả và sớm đưa cầu phao vào hoạt động, phục vụ nhân dân.