Thanh Hóa: Cầu phao xuống cấp ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân

Nhiều năm qua, cây cầu phao bắc qua sông Mã nối xã Cẩm Vân với 7 xã phía Nam của huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc giao thương, sản xuất của người dân.

Mong muốn của người dân nơi đây là Nhà nước sớm xây dựng một cây cầu cứng để nhân dân, học sinh đi lại thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại vùng cao.

Chú thích ảnh
Cầu phao Cẩm Vân, xã Cẩm Vân, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân.

Tại thôn Tiên Lăng, xã Cẩm Vân nơi có dòng sông Mã chảy qua, trước đây người dân muốn sang sông phải đi đò, phà để sang bên xã Cẩm Tân và đường quốc lộ 217 để giao thương làm ăn. Sau đó, UBND huyện Cẩm Thủy đã dựng một cây cầu phao bắc qua sông Mã để người dân xã Cẩm Vân với 7 xã phía Nam huyện Cẩm Thủy đi lại thuận tiện.

Trải qua hơn 50 năm sử dụng, cây cầu phao xã Cẩm Vân đã bị xuống cấp trầm trọng, cầu chỉ rộng khoảng 3-4 m, dài 240 m, được nối bởi các nhịp phao đã hoen rỉ, mặt sàn của cầu là các then gỗ, các tấm tôn kim loại được xếp đặt lộn xộn, gỗ bị mục và cầu cũng không có lan can, mỗi khi người dân và học sinh qua lại, cây cầu rung lắc. Hàng năm, ngân sách xã chi 40-50 triệu đồng, UBND huyện Cẩm Thủy hỗ trợ một phần, nhân dân cũng đóng góp một phần nhưng chỉ đủ kinh phí sửa chữa tạm thời.

Chú thích ảnh
 Nhiều hạng mục cầu đã bị hư hỏng.

Mặc dù, biết đi qua cầu nguy hiểm nhưng do đây là con đường duy nhất nên mỗi ngày có trên 1.000 người đi lại qua sông; trong đó, có 300 học sinh trường THPT Cẩm Thủy 2, hơn 500 lao động làm việc tại các nhà máy may khu vực huyện Vĩnh Lộc và nhiều hộ dân ở các thôn Tiên Lăng, thôn Đồi Trông, thôn Quan Phát phải qua sông để canh tác trên diện tích 100 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực phía Bắc sông Mã.

Ông Phạm Đăng Buôn, xã Cẩm Vân cho biết, cầu phao Cẩm Vân xuống cấp đã lâu, người dân luôn gặp khó khăn khi đi lại sang sông để sản xuất, nhất là học sinh khi mùa nước lũ phải đi qua. Vài năm trước, nơi đây đã xảy ra các vụ tai nạn đuối nước do người dân đi qua cầu trong mùa mưa bão.

Theo anh Phạm Tấn Trường, xã Cẩm Vân cho hay, gia đình anh muốn mua một cái xe tải để qua bãi chở mía thuê tăng thêm thu nhập nhưng không khả thi do cầu đã xuống cấp trầm trọng, diện tích cầu lại bé nên xe tải lớn không thể đi qua. Mong nhà nước sớm xây dựng cây cầu cứng để gia đình anh và bà con nơi đây đi lại làm ăn.

Ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư đảng ủy xã Cẩm Vân cho biết, một năm bà con đi bằng cầu phao cũ được 7 tháng, còn 5 tháng phải đi đường đò do nước sông Mã dâng cao. Nếu trong mùa mưa lũ bà con muốn sang sông phải đi lên trung tâm huyện Cẩm Thủy xa hơn 30 km hoặc đi xuống huyện Yên Định thì xa hơn 40 km nên việc đi lại đang gặp nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Nhiều hạng mục cầu đã bị hư hỏng mặc dù hàng năm có tu sữa.

Trước thực trạng cầu phao xã Cẩm Vân xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, UBND huyện Cẩm Thủy đã kiến nghị lên tỉnh Thanh Hóa, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng một cây cầu mới. Tuy nhiên, đối với một huyện nghèo thì việc huy động nguồn lực xây cầu đang còn gặp khó khăn.

Được biết, trước đó vào năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 2839/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy do Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án không quá 4 năm. Tuy nhiên, đến nay cầu mới vẫn chưa được xây dựng.

Tin, ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)
Đại thủy nông Nậm Rốm xuống cấp
Đại thủy nông Nậm Rốm xuống cấp

Hiện tại, nhiều hạng mục, bộ phận của Công trình đại thủy nông Nậm Rốm (Điện Biên) đã và đang xuống cấp, ảnh hưởng đến năng suất tưới tiêu và có nguy cơ hư hại nặng vào mùa mưa, lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN