Đặc biệt, bản Pơ Nang, xã Tân Hợp, nơi có 75 hộ dân sinh sống được xác định là nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở xuống sông rất cao. Hiện nay, huyện Mộc Châu đang tập trung huy động lực lượng, triển khai nhiều giải pháp để sớm di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Báo động tình trạng sạt lở
Hiện nay, tuyến đường bộ đã bị chia cắt bởi mưa lũ, để đến được bản Pơ Nang, cách duy nhất là đi thuyền. Sau gần hai giờ đi thuyền ngược lòng hồ Thủy điện Hòa Bình, chúng tôi đã đến được bản Pơ Nang. Tại đây, 75 hộ dân với hơn 330 nhân khẩu đang sống ngay bên lòng hồ Thủy điện Hòa Bình. Vào cuối tháng 7/2018, hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lớn kéo dài gây thiệt hại nặng nề về tài sản của nhân dân. Do mưa lũ nhiều ngày, bản có 3 ngôi nhà bị vùi lấp, hàng chục ngôi nhà còn lại đang trong tình trạng nguy cơ sạt lở cao.
Bà Mùi Thị Pương ở bản Pơ Nang cho biết, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo nên năm 2017 được hỗ trợ tiền để xây dựng một ngôi nhà nhỏ. Ngôi nhà vừa mới xây xong, gia đình bà chuyển vào ở chưa lâu, đợt mưa vừa qua đã khiến nhà bị sập và hư hỏng hoàn toàn.
Nghiêm trọng hơn, mưa lũ kéo dài khiến dãy núi phía sau bản Pơ Nang xuất hiện những vết nứt lớn, dài trên 1km. Không những thế, dãy núi này còn xuất hiện nhiều điểm sạt, trượt với quy mô rộng. Điều này dẫn đến nguy cơ sạt lở và vùi lấp toàn bộ 75 hộ dân trong bản rất cao.
Trưởng bản Pơ Nang Mùi Văn Điễn cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, ngoài nhà của người dân bị ảnh hưởng, điểm trường Tiểu học và Mầm non tại bản cũng bị hư hỏng do đất đá tràn vào. Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, bản đã báo cáo lên cấp trên. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xuống hỗ trợ dựng gần 60 căn lều bạt ở những vị trí an toàn hơn cho người dân ở tạm.
Bà Phạm Thị Nhung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mộc Châu cho biết, trước nguy cơ sạt lở cao tại bản Pơ Nang, chính quyền địa phương quyết định phải di chuyển toàn bộ bản đến địa điểm mới để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Hiện nay, huyện đã khảo sát và tìm ra vị trí thích hợp để sớm đưa người dân đến sinh sống. Ngoài bản Pơ Nang, huyện Mộc Châu còn gần 100 hộ dân khác cũng thuộc diện di dời. Tùy vào mức độ ảnh hưởng ở từng điểm, chính quyền địa phương cho người dân di chuyển nội bản và xen ghép với những bản khác.
Khó khăn trong việc di dời
Sau khi xác định tình trạng tại bản Pơ Nang và nhận thấy khu vực này không còn an toàn, huyện Mộc Châu đã khẩn trương tìm vị trí mới để tái định cư cho người dân. Khu vực bố trí điểm tái định cư được xác định tại bản Sam Kha, xã Tân Hợp, cách nơi ở của người dân bản Pơ Nang khoảng 5km. Mặc dù vậy, việc di chuyển đến nơi ở mới của các hộ dân đang gặp nhiều khó khăn do tuyến đường giao thông đã bị sạt lở, chia cắt.
Ông Đinh Văn Thế, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hợp thông tin, sau bão số 3, các tuyến đường giao thông chính từ xã Tân Hợp đến trung tâm huyện đã bị ách tắc, xe máy và ô tô không lưu thông được. Ngoài ra, tuyến đường từ xã đến bản có nhiều điểm sạt lở, các phương tiện không thể thông. Vì vậy, đây khó khăn trong việc di dời người dân bản Pơ Nang đến nơi ở mới. Các đơn vị liên quan đang khảo sát tuyến đường từ xã đến các bản, trong đó ưu tiên đường đến bản Pơ Nang để phục vụ công tác di dời.
Việc di dời 75 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới an toàn là hết sức cấp thiết. Bởi tại đây nhiều nền nhà của người dân đã bắt đầu xuất hiện những vết nứt lớn, kéo dài.
Ông Mùi Văn Tuấn, người dân bản Pơ Nang lo lắng: Sạt lở nhiều khiến người dân trong bản rất lo lắng. Vì thế, việc dỡ nhà là rất cần thiết bởi đây tài sản lớn, phải tích góp trong nhiều năm mới dựng lên được. Tuy nhiên, để dỡ nhà cũng mất nhiều thời gian do vậy bà con mong muốn sớm thông tuyến để di dời thuận lợi hơn.
Trưởng bản Pơ Nang Mùi Văn Điễn cho biết, khi người dân chưa di dời đến nơi ở mới, nếu thấy có mưa, Bí thư, Trưởng bản sẽ thông báo bà con đến ở lều bạt để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, Trưởng bản tuyên truyền, vận động bà con khi chưa chuyển được đến nơi ở mới, nếu chỗ nào nguy hiểm phải ra ở lều bạt…
Trước những khó khăn này, huyện Mộc Châu đã đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân. Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu Phạm Đức Chính cho biết, huyện đang tích cực chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất, trước tiên là làm nền nhà và đường nội bộ để di chuyển tài sản, nhà cửa của người dân đến nơi ở mới. Sau đó, huyện sẽ huy động các lực lượng dân quân xã, bộ đội, đoàn thanh niên giúp người dân tháo dỡ và di dời. Địa phương kiến nghị tỉnh Sơn La cho phép sử dụng 10% kinh phí trích từ nguồn thu quyền sử dụng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm tái định cư.
Bài học từ Pơ Nang
Đứng từ xa để quan sát có thể thấy bản Pơ Nang nằm dưới một dãy núi lớn hướng ra lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Hiện nay, hầu hết phần sườn núi đã được bao phủ bởi cây ngô, chỉ còn số ít ở đỉnh núi là các loại cây lớn. Việc trồng ngô trên sườn núi được người dân ở đây nhận định là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở như hiện nay.
Ông Mùi Văn Điễn, Trưởng bản Pơ Nang ngậm ngùi nói, bà con sống ở đây gần 30 năm, biết bao công sức để xây dựng bản ngày càng no ấm, giàu đẹp nhưng đến nay đã trở thành con số không. Khi xảy ra tình trạng sạt lở, bà con cũng nhận thức được ngoài yếu tố thời tiết một phần là do họ đã phá rừng trồng ngô. Sau này, khi đến nơi ở mới, bà con trong bản thống nhất sẽ trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ chứ không trồng ngô, sắn. Bà con không phá những đồi cao và trồng rừng để giữ đất. Có như vậy, mới đảm bảo cho việc ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế lâu dài.
Cùng chung nhận định, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hợp cho hay, vấn đề sạt lở chủ yếu do tác động của thiên tai và con người mà trực tiếp là việc làm nương rẫy. Hiện nay, xã có chủ trương đối với những điểm nào chưa bị sạt lở tiếp tục trồng lại các loại cây dài ngày để giữ đất.
Ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết thêm: Quy Hướng, Tân Hợp là những địa phương đã thực hiện di chuyển dân để phục vụ xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Trước đây, do không còn vị trí nào thuận lợi hơn để bố trí, người dân đã chuyển đến ở gần các dãy núi có độ dốc cao, vì thế độ sạt trượt rất lớn. Một nguyên nhân khác là ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng còn thấp. Do đó, phát rừng làm nương sẽ gây sạt lở đất rất lớn. Đây là những nguyên nhân chính ban đầu địa phương đã xác định để khuyến cáo người dân khi đến nơi ở mới phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt phải chăm sóc, bảo vệ rừng có như vậy mới giữ được đất, không xảy ra các điểm sạt trượt như hiện nay.