Siêu bão mạnh kỷ lục sẽ đổ vào Bắc Bộ

Sáng mai (11/11), bão số 14, cơn bão mạnh nhất trong lịch sử thế giới, được dự báo sẽ đổ vào các tỉnh Đông Bắc bộ. Khi đổ bộ vào khu vực này, cường độ bão giảm nhưng vẫn còn rất mạnh với sức gió mạnh cấp 8, 9 (62- 88km/giờ), giật cấp 10, 11.


Bão sẽ đổ bộ vào Đông Bắc Bộ

 

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết, cơn bão này có cường độ rất mạnh, đường đi lại phức tạp. Vào lúc 17 giờ chiều nay, 10/11, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa- Quảng Ninh 270- 330 km về phía đông nam, sức gió gần tâm bão mạnh cấp 12, 13, giật cấp 14, cấp 15.


Bão không đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung như dự báo ban đầu, mà chỉ áp sát và chạy song song ven biển khu vực này. Tuy nhiên, vì cường độ của bão rất mạnh nên các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị, Quảng Bình vẫn phải đề phòng mưa to, gió mạnh. Còn các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa và nam đồng bắc Bắc Bộ như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, thậm chí cả Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ là vùng trọng tâm bão đổ bộ trực tiếp. Theo ông Tăng, cơn bão này có hướng di chuyển gần giống cơn bão số 8/2012 (bão Sơn Tinh).


Tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa về tránh trú bão tại huyện Tĩnh Gia. Ảnh: Duy Hưng/TTXVN


Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết, những cơn bão xuất hiện vào cuối mùa bão thường có cường độ không mạnh. Tuy nhiên, bão 14 đã đi ngược lại quy luật: Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, 17, giật trên cấp 17- cấp mạnh nhất trong thang đo sức gió; khi vào đất liền, gió vẫn mạnh cấp 12, giật cấp 13, vùng ven biển giật cấp 14.


Trước những dự báo nguy hiểm về cơn bão này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có Công điện số 1850/CĐ-TTg ngày 9/11/2013 chỉ đạo các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và các bộ ngành Trung ương đối phó với bão. Chính phủ đã thành lập hai đoàn công tác do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đi chỉ đạo, kiểm tra công tác đối phó với bão, lũ tại các tỉnh miền Trung. Bộ NN&PTNT cử các đoàn công tác đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thái Bình để hỗ trợ địa phương đối phó với bão.


Thông báo cho 86.000 tàu thuyền vào nơi tránh bão


Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, hôm nay (10/11), Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.969 phương tiện/389.253 người biết hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Cụ thể, ở khu vực Bắc biển Đông (bao gồm Quần đảo Hoàng Sa) có 5 tàu/52 lao động đã ra khỏi khu vực nguy hiểm; ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) có 115 tàu/ 1.539 lao động đã neo đậu an toàn tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Riêng khu vực từ Thái Bình đến Bình Định có 40.552 tàu/ 172.412 lao động được thông báo, hướng dẫn về nơi tránh trú.


Theo ông Vũ Văn Tú, Chánh Văn Phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, 13 tỉnh, thành phố từ Thái Bình đến Phú Yên đã lên kế hoạch sơ tán, di dời 231.822 hộ/858.579 người. Hiện có 6 người chết do siêu bão này (3 người ở Quảng Nam, 2 người ở Quảng Ngãi và 1 người ở Thừa Thiên- Huế).


Lũ lên, nhiều hồ phải xả tràn


Do ảnh hưởng của bão, khu vực Trung Trung Bộ từ chiều nay đã có mưa rất to; sau đó mưa lan ra khu vực Bắc Bộ. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Trị- Quảng Bình cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2,5- 3,5 m. Khu vực ven biển từ Hà Tĩnh đến Hải Phòng đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3- 4,5 m. Sóng biển cao 2- 4 m, vùng tâm bão từ 4-5 m.


Từ ngày 11-13/11, trên hệ thống sông Hồng- Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ vừa, với biên độ lũ lên từ 2- 5m. Đỉnh lũ trên hệ thống sông Thái Bình có khả năng lên báo động 1, có nơi lên mức báo động 2. Các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quang Ninh, Tuyên Quang và Bắc Giang đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Riêng các vùng trũng tại khu vực đồng bằng có khả năng xảy ra ngập úng. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu thành phố Hà Nội triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng trên địa bàn, đặc biệt là khu vực nội thành; tổ chức hướng dẫn hỗ trợ giao thông ở những điểm ngập lụt để đảm bảo hoạt động bình thường của các hoạt động kinh tế, xã hội.


Tổng cục Thủy lợi cho biết, các tỉnh phía Bắc hiện có tổng gần 3.200 hồ và toàn bộ các hồ này đã tích đầy nước. Đề phòng lũ do mưa lớn, một số hồ đang phải xả tràn với lưu lượng từ 40 đến 50 m3/s. Đáng lưu ý, khu vực phía Bắc hiện có tới 168 hỗ yếu, xuống cấp cần quan tâm đặc biệt trong đợt mưa lũ này. Các hồ đều có mặt cắt đập nhỏ; có hiện tượng đập bị lún, nước thấm qua đập, nền; tràn, cống lấy nước bị hư hỏng; tràn không đảm bảo lưu lượng xả lũ.


Ông Bùi Minh Tăng khuyến cáo, bão số 14 có đường đi rất phức tạp, diễn biến vẫn khó lường nên người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của bão để có biện pháp phòng tránh.


Dự kiến diễn biến của bão:

- 17 giờ ngày 10/11: Bão cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa- Quảng Ninh 270- 330 km về phía đông nam, gió mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 15.

- 4 giờ ngày 11/11: Tâm bão nằm trên khu vực các tỉnh Đông Bắc Bộ, sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 11. Sau 12 đến 24 tiếng, cơn bão này suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

- 16 giờ ngày 11/11: Tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương).



Huyền Tím
Bộ Tư lệnh Thủ đô huy động 100% cán bộ, chiến sỹ trực bão
Bộ Tư lệnh Thủ đô huy động 100% cán bộ, chiến sỹ trực bão

Ngày 10/11, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức triển khai cho 100% các đầu mối các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh; 29 Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã; các Công ty, nhà trường thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 14.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN