Sẽ xây thêm nhiều ngôi nhà an toàn giúp dân chống chọi bão lụt

Sáng 17/12, tại Hà Nội, Ban Quản lý dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam - Dự án GCF) cùng 7 tỉnh ven biển: Thanh Hóa, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau, đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án năm 2020 và dự thảo Kế hoạch thực hiện năm 2021.

Chú thích ảnh
Bàn giao nhà chống bão lũ cho người dân nghèo tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh tư liệu: UNDP cung cấp

Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) có nhiệm vụ bổ sung tính năng thiết kế đảm bảo an toàn trước bão lụt của nhà ở cho các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương; tái tạo diện tích rừng ngập mặn tạo các khu đệm tự nhiên giữa biển và các cộng đồng ven biển; thiết lập hệ thống thông tin rủi ro khí hậu đáng tin cậy; hỗ trợ hướng dẫn lập kế hoạch có tính tới các rủi ro và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Dự án GCF gồm 3 hợp phần (hợp phần 1 - Hỗ trợ xây nhà chống chịu bão lũ; hợp phần 2 - Trồng rừng ngập mặn; hợp phần 3 - Thông tin dữ liệu rủi ro thiên tai) với mục tiêu đến năm 2021 là xây 4.000 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt, trồng và phục hồi 4.000 ha rừng ngập mặn từ đó giảm 1,9 triệu tấn CO2 tương đương và 20.000 người tiếp cận thông tin về biến đổi khí hậu, thiên tai.

Theo Ban Quản lý dự án, tính đến cuối năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các trận bão, lụt ở miền Trung nhưng đã có hơn 3.500 căn nhà an toàn chống chịu bão, lụt được xây dựng, hơn 3.300 ha rừng ngập mặn được trồng mới và phục hồi, triển khai thành công 24 mô hình sinh kế, giúp mang lại thu nhập cho các hộ gia đình nghèo ven biển và hơn 39.000 cán bộ, người dân được tập huấn về lập kế hoạch và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng...

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Giám đốc dự án cho biết: Các cơn bão lớn lịch sử đổ bộ vào miền Trung trong tháng 9, 10 và 11/2020 đã làm đổ, hư hại, tốc mái hàng chục ngàn nhà tại các tỉnh miền Trung, nhưng hầu hết nhà do dự án GCF hỗ trợ vẫn an toàn. Đây là một trong những thành công của dự án cần tuyên truyền để nhân rộng mô hình phát huy hiệu quả của dự án.

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen vui mừng nhận thấy những ngôi nhà an toàn của dự án đã giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. UNDP đánh giá cao nỗ lực và thành công của các Ban quản lý dự án trung ương và địa phương, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các trận bão, lụt lịch sử, nhưng dự án đã gần hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra cho 5 năm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, hầu hết các nhà được xây dựng theo chương trình dự án GCF đều rất chắc chắn, vượt hơn các yêu cầu cho phép và đảm bảo an toàn.

Tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý dự án các tỉnh cũng trao đổi những vấn đề liên quan đến dự án GCF; đại diện Bộ Xây dựng và UNDP chia sẻ đánh giá về nhu cầu nhà ở an toàn chống chịu bão, lụt ở 28 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng và UNDP, cần phải xây dựng hơn 100.000 ngôi nhà an toàn, trong đó nhu cầu cấp thiết là xây 24.000 ngôi nhà an toàn ở các khu vực ven biển.

Đề cập đến kế hoạch năm 2021, ông Vũ Thái Trường, Quản lý dự án GCF của UNDP cho rằng, các hoạt động chính của dự án là hoàn thành các ngôi nhà an toàn theo kế hoạch năm 2020 và tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà an toàn chống chịu bão lụt theo kế hoạch năm 2021; tiếp tục hỗ trợ xây dựng đề xuất chương trình mới về nhà an toàn chống chịu bão lụt tại 28 tỉnh, thành phố ven biển; chăm sóc 3.381 ha rừng ngập mặn tại 5 tỉnh có rừng của dự án (Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau); xây dựng mô hình bảo hiểm rủi ro thiên tai và tăng cường hợp tác công tư trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai...

TTXVN/Báo Tin tức
Tetra Pak được xếp hạng A về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ rừng
Tetra Pak được xếp hạng A về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ rừng

Tetra Pak đã được Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về môi trường CDP xếp hạng A – thứ hạng cao nhất cho hai trong số ba hạng mục môi trường do CDP đưa ra là chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, ghi nhận Tetra Pak là doanh nghiệp tiên phong về phát triển bền vững. Tetra Pak cũng là công ty duy nhất trong ngành đóng gói bao bì năm năm liên tiếp có mặt trong nhóm các thương hiệu hàng đầu của CDP và được xếp hạng A cho cả hai hạng mục chống đổi khí hậu và bảo vệ rừng năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN