Hội nghị thượng đỉnh Climate Ambition (tạm dịch: Tham vọng về khí hậu) do Anh, Liên hợp quốc (LHQ) và Pháp đồng tổ chức theo hình thức trực tuyến sẽ khai mạc với phát biểu của Thủ tướng Anh Boris Johnson vào lúc 21h00 ngày 12/12 (giờ Việt Nam) và được phát trực tiếp trên trang web climateambitionsummit2020.org. Hội nghị được tiến hành trong bối cảnh LHQ cảnh báo các cam kết hiện nay của các chính phủ là chưa đủ mạnh để có thể ứng phó sự gia tăng nền nhiệt toàn cầu.
Trong số các nguyên thủ quốc gia tham gia sự kiện này có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Lãnh đạo các nước đệ trình những kế hoạch tham vọng nhất sẽ phát biểu tại hội nghị. Trong số này có lãnh đạo của hai nước Honduras và Guatemala - những quốc gia gần đây đã hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề từ bão lũ, cũng như Ấn Độ - nước đang phải chống chọi với mô hình thời tiết ngày càng diễn biến thất thường và tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng phát biểu tại hội nghị, trong đó có Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn Apple - ông Tim Cook, người đã cam kết toàn bộ chuỗi cung ứng của tập đoàn sẽ trung hòa carbon vào năm 2030.
Tại hội nghị, các diễn giả sẽ công bố các thông điệp dưới dạng video ngắn, trong khi các nhà tổ chức cho biết sẽ có tập hợp "các cam kết mới và đầy tham vọng về biến đổi khí hậu", tuy nhiên sẽ không có tuyên bố chung của hội nghị.
Các nước tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 đã cam kết hành động để giới hạn mức tăng nền nhiệt Trái Đất ở mức dưới 2,0 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, và cố gắng giới hạn mức tăng này ở 1,5 độ C. Mặc dù vậy, LHQ hồi đầu tuần này đã cảnh báo rằng ngay cả khi các nước thực hiện những cam kết cắt giảm lượng khí thải đã đưa ra, Trái Đất vẫn đang trên đà "gia tăng nhiệt độ ở mức thảm khốc" 3,0 độ C trong thế kỷ này. LHQ nhấn mạnh tình trạng này sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng thậm chí còn nghiêm trọng hơn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Hội nghị thượng đỉnh Climate Ambition được xem là sự kiện khởi động cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 26 (COP26) của Liên hợp quốc ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021. Theo cơ chế của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước tham gia sẽ phải đệ trình những kế hoạch cắt giảm khí thải mới - được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) - 5 năm một lần. Hạn chót cho công tác này là ngày 31/12 tới.
Hiện hơn 110 nước đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Trung Quốc - nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới - hồi tháng 9 vừa qua tuyên bố đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/12 cam kết mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính 55% so với mức năm 1990.
Hội nghị Climate Ambition không có sự tham gia của các nền kinh tế lớn như Australia, Brazil và Nam Phi. Australia hiện chưa đưa ra cam kết trung hòa carbon năm 2050, đồng thời bị chỉ trích về việc đặt mục tiêu quá thấp trong những đóng góp cho nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.