Chiều ngày 15/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH họp báo về Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang thay đổi.
Theo Bộ LĐTBXH, hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự trực tuyến có khoảng 150 đại biểu ở 70 điểm cầu bao gồm các Bộ trưởng Lao động ASEAN, các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác đối thoại của ASEAN trong và ngoài khu vực, các đại diện thuộc Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH) cho biết, phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá của Việt Nam bên cạnh thể chế và phát triển cơ sở hạ tầng. Vấn đề nguồn nhân lực luôn được ưu tiên phát triển.
“Chủ đề phát triển nhân lực không bao giờ cũ, nhất là trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi, có nhiều yếu tố tác động như cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, hình thức việc làm mới. Vấn đề già hóa dân số, thay đổi khí hậu và hiện tại là dịch COVID-19 cũng đang tác động mạnh tới thị trường lao động. Trong bối cảnh đó, phát triển nguồn nhân lực quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Theo đó, mục tiêu của Hội nghị cấp cao về Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN về phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển của công nghệ, yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, cùng kiến tạo tương lai của một ASEAN thống nhất, gắn kết chặt chẽ; tăng cường quan hệ đối tác giữa ASEAN và các nước đối thoại, các nhà tài trợ trong phát triển nguồn nhân lực; đóng góp các kết quả cụ thể để đưa vào Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 11/2020.
Hội nghị cũng chính thức thông qua Lộ trình của Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay và Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.
Ông Trương Anh Dũng cho biết thêm, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN sẽ tập trung vào các vấn đề: Chính sách để cải thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp; kết nối và khả năng thích ứng với thị trường lao động việc làm biến đổi; thu hẹp khoảng cách kỹ năng nghề giữa các nước; cải thiện sự tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho nhóm yếu thế; hỗ trợ hệ thống giám sát, phát triển nghề nghiệp
Hội nghị sẽ là điểm nhấn về hợp tác liên ngành, liên chính phủ và là cơ hội không chỉ đối với Việt Nam mà đối với ASEAN nhằm tranh thủ hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực, kết nối giáo dục đào tạo kỹ năng với các yêu cầu của thị trường lao động, góp phần triển khai đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, phục vụ tái cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững.