Tuyên truyền, phát triển đối tượng BHXH với các giải pháp từng nhóm cụ thể

Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang nỗ lực vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, BHXH Việt Nam tập trung tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia với các giải pháp theo từng nhóm cụ thể.

Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, người lao động (NLĐ) không có việc làm phải nghỉ việc; các hoạt động tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình và công tác thanh tra, kiểm tra cũng phải hạn chế; thu nhập người dân giảm nên nhiều người không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình… dẫn đến số người tham gia và số thu BHXH, BHYT giảm; trong khi số nợ BHXH, BHYT lại tăng lên.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Tính đến hết ngày 31/8/2020, cả nước có trên 15,3 triệu người tham gia BHXH (đạt 31,2% lực lượng lao động trong độ tuổi); trên 12,8 triệu người tham gia BH thất nghiệp (đạt 26% lực lượng lao động trong độ tuổi); trên 86,4 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 89,2% dân số). Như vậy, so với cuối năm 2019, mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT có tăng trưởng dương, nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp lại giảm mạnh. Số thu dù có tăng về số tuyệt đối, nhưng tỷ lệ so với kế hoạch cả năm lại thấp hơn cùng kỳ (hết tháng 8/2019, số thu toàn Ngành đạt 63,6% kế hoạch năm). Bên cạnh đó, số tiền nợ BHXH, BHYT khoảng 21.408 tỷ đồng (bằng 5,3% số phải thu và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019). Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tính đến tháng 9/2020, cả nước đã có 954 đơn vị, DN gặp khó khăn do dịch Covid-19 được phê duyệt hồ sơ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương ứng với 79.522 NLĐ và ước số tiền khoảng 326 tỷ đồng.

Theo tính toán, để đạt được chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 và kế hoạch ngành đề ra, trong 4 tháng cuối năm nay, ngành BHXH cần phải phát triển thêm trên 1,893 triệu người tham gia BHXH; trên 1,493 triệu người tham gia BH thất nghiệp. Riêng với BHYT, để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số theo kế hoạch, cũng cần thu hút thêm trên 1,6 triệu người tham gia. Mục tiêu này đòi hỏi cần phải có sự tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự nỗ lực lớn của toàn ngành.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, ngành BHXH vẫn đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT; cũng như các chỉ đạo của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong quản lý; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước đã chi hưởng BHXH 151.757 tỷ đồng; chi BH thất nghiệp 1.728 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, tuy số người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản giảm, nhưng số người được giải quyết hưởng chế độ BHXH hàng tháng, BHXH một lần và BH thất nghiệp đều tăng. Tương ứng là số chi BHXH, BH thất nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ năm 2019, đặt biệt là số chi BH thất nghiệp tăng mạnh (106%). Thống kê cũng cho thấy, cả nước đã có 106,545 triệu lượt người KCB BHYT; số chi KCB BHYT các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT là 65.092 tỷ đồng (chưa bao gồm số chi của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân), tương ứng 63,16% tổng dự toán chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT năm 2020.

Để tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các (thủ tục hành chính) TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho DN, người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 15 dịch vụ công; đã tiếp nhận gần 3.500 hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có một số dịch vụ có tần suất thực hiện lớn như: Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất (1.499 trường hợp); gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình, đóng tiếp BHXH tự nguyện (925 trường hợp); hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (838 trường hợp)... Bên cạnh đó, thực hiện cung cấp 722 tài khoản truy cập Hệ thống phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố và BHXH cấp huyện để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về TTHC...

Tập trung phát triển đối tượng, tăng thu

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong những tháng cuối năm 2020, đại diện các đơn vị của BHXH Việt Nam cho rằng, tập trung vào việc đảm bảo phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ BHXH, BHYT và đảm bảo an toàn quỹ KCB BHYT...; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tham gia các chính sách an sinh xã hội quan trọng này.

Lưu ý một số vấn đề trong quản lý chi phí KCB BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đề nghị: Sau hơn 3 năm vận hành thực hiện giám định chi phí BHYT điện tử, việc cơ sở y tế có "độ trễ" trong thực hiện chuyển dữ liệu KCB lên Hệ thống giám định không còn hợp lý. Vì vậy, BHXH Việt Nam cần có văn bản đề nghị Bộ Y tế kiên quyết yêu cầu các cơ sở y tế chuyển dữ liệu KCB BHYT ngay trong ngày lên Cổng Dữ liệu của ngành BHXH, đảm bảo sự minh bạch thông tin KCB BHYT. Ngoài ra, một sự kiện quan trọng trong năm 2021 là việc mở thông tuyến KCB BHYT các BV tuyến tỉnh, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT đưa ra dự báo về tác động của quy định mới này đến quỹ BHYT, cũng như đề xuất các giải pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT phù hợp, ngăn chặn việc lạm dụng chính sách...

Đánh giá tác động tiêu cực của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến DN sẽ khiến mục tiêu phát triển BHXH bắt buộc tương đối khó khăn, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho rằng, vẫn có nhiều điều kiện để đảm bảo số thu trong năm 2020. Vì vậy, BHXH các địa phương cần kiên quyết thực hiện các giải pháp giảm nợ BHXH, BHYT tại các đơn vị cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH thông qua đẩy mạnh hoạt động thanh tra đột xuất. Bên cạnh đó, cần phát huy cao nhất quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan BHXH trong hoạt động này.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, công tác tuyên truyền phải đảm bảo phù hợp với từng thời điểm, từng giai đoạn và từng nhóm đối tượng...

Theo Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thế Mạnh, hoạt động phát triển đối tượng, tuyên truyền chính sách cần có các giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Đồng thời, thực hiện tốt công tác chi trả, các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC và triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và DN...

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thu, Tổng Giám đốc BHXH yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và BHXH các địa phương cần bám sát dự toán thu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có cơ quan Thuế để rà soát các nhóm tham gia BHXH bắt buộc, tăng cường thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết thu hồi nợ tại các đơn vị chây ỳ. Bên cạnh đó, cần rà soát, phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả đối với từng đơn vị, từng cán bộ trong toàn ngành.

“Đáng chú ý, cần sớm hoàn thiện các văn bản, quy định, hướng dẫn để triển khai trong toàn Ngành Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; triển khai kịp thời Nghị định số 89/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam”, Tổng Giám đốc cho biết.

XM/Báo Tin tức
Mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội để lừa đảo qua điện thoại
Mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội để lừa đảo qua điện thoại

Những ngày gần đây, đường dây nóng của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhận được phản ánh của một số người dân về việc họ nhận được các cuộc điện thoại lừa đảo của người lạ có các đầu số: 0555..., 8009... , tự xưng là người của cơ quan BHXH.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN