Sạt, lở đất ở Việt Nam - Bài 3: Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Theo ông Yusuke Sakai, Viện Nghiên cứu tổng hợp chính sách công nghệ đất đai quốc gia, mỗi năm, Nhật Bản xảy ra 1.000 - 1.500 trận sạt, lở đất làm vài chục người chết.

Chú thích ảnh
Một số hộ dân tại bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Hiệu quả của việc xây dựng các đập Sabo

Cách đây 20 năm, Nhật Bản thường khắc phục luôn sự cố sạt lở mà không khảo sát kỹ tính chất khối trượt nên khối trượt tái hoạt động khiến việc xử lý không hiệu quả. Hiện, Nhật Bản thực hiện khảo sát kỹ trước khi khắc phục để có biện pháp xử lý hiệu quả, bền vững dù chi phí khảo sát chiếm 15 - 20% chi phí khắc phục.

Một trong những giải pháp phòng chống thiệt hại do sạt lở tại Nhật Bản là việc xây dựng các đập Sabo (đập Sabo kiểu đóng và đập Sabo kiểu nâng đập).

Đập Sabo kiểu đóng là loại đập dùng để chặn giữ trực tiếp đất đá và cây cối bị cuốn trôi trong lòng bùn đất hoặc dòng nước lũ, làm cho các khối đất đá ở đầu dòng, bùn đất bị mắc lại vào giữa phần kết cấu thép để chặn giữ, làm yếu đi sức chảy của dòng bùn đất.

Đập Sabo kiểu nâng đập giúp cho việc tạo dòng chảy xoáy ngược tại vùng thượng lưu đập bằng cách thu hẹp bề rộng cửa đập, đất đá được dòng xoáy ngược cuộn vào trong sẽ tạm thời được lưu giữ lại, giúp giảm thiểu lượng đất đá chảy trôi theo dòng chảy, dòng nước lũ.

Hiện Nhật Bản sử dụng đập sabo hở bằng thép trong việc phòng chống lũ quét, sạt lở đất, việc này giúp giữ lại đất đá lớn, gỗ trôi dạt khi lũ quét xảy ra, đồng thời để cát, đất, bùn chảy xuống trong điều kiện bình thường, đảm bảo độ dốc lòng suối, bảo vệ dòng suối và hệ sinh thái không cản trở động vật hay cá di chuyển qua, đảm bảo sự liên tục của dòng suối và dễ dàng thu dọn đá bị giữ lại. Do vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng được giải pháp này.

Các công nghệ hữu hiệu khác

Ông Takuya Shirahase, Phó Vụ trưởng Vụ quy hoạch sông, Tổng cục Quản lý thiên tai và nguồn nước Nhật Bản cho biết: Việc áp dụng công nghệ IoT (dịch vụ Cloud) nhằm giảm thiểu chi phí thiết bị giám sát và nâng cấp hệ thống thông tin lưu vực sông cũng có thể giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra.

Theo đó, phát triển hệ thống vận hành máy đo mực nước chi phí thấp chuyên dùng để quan sát khi ngập lụt (máy đo mực nước kiểu kiểm soát nguy cơ 3 L (3L: giá rẻ, bền bỉ và bản địa hóa) nhằm nắm bắt rõ tình trạng mực nước theo thời gian thực để lấy mốc xác định sơ tán khi lũ lụt; thúc đẩy phổ biến cho khu vực sông suối nhỏ và vừa do các tỉnh, thành, thị trấn, phường quản lý, củng cố hệ thống mạng lưới quan sát mực nước.

Thông tin mực nước sẽ được cung cấp trên web “Thông tin mực nước sông” cùng với thông tin camera sông ngòi bởi thông tin mực nước sẽ thay đổi tùy theo độ nguy hiểm. Chi phí vận hành hệ thống máy đo mực nước kiểu kiểm soát nguy cơ 3 L chỉ khoảng từ 11.400 yên/năm/máy (tương đương hơn 2.416 triệu đồng).

Chia sẻ công nghệ phòng chống sạt lở mái dốc, ông Tomo Nakajima, Quản lý dự án Công ty Raito-Fecon cho rằng, trước tiên cần phân loại các loại hình sự cố trên các tuyến đường miền núi: mất ổn định mái dốc; đá lăn, đá lở; sạt trượt đất; dòng bùn lũ quét...

Đồng thời, cần phân loại dựa trên quy mô và cơ chế, theo đó, với trường hợp mất ổn định mái dốc (mái dốc đá), chiều sâu khối trượt thường nông và có quy mô nhỏ xảy ra đối với loại hình mái dốc dựng đứng, tốc dộ dịch chuyển khối sạt xảy ra nhanh hơn so với các khối trượt quy mô lớn.

Phương án truyền thống mà Nhật Bản áp dụng đó là các giải pháp như: khung bê tông kết hợp trồng cỏ và phun bê tông; lớp gia cố bề mặt bằng hỗn hợp đất và cốt sợi polymer (trong đó, lớp đất trồng hữu cơ dày 3m hoặc hơn; lớp gia cố đất và sợi polymer dày 20cm; vật liệu sợi làm tăng cường độ của lớn phun bảo vệ. Ngoài ra, kết hợp thi công bằng neo đất, đinh đất và cọc chống trượt để chống xói mòn mái dốc.

Trong quá trình thực hiện thi công bằng neo đất phải tiến hành sử dụng máy khoan neo điển hình, sau đó phun chèn vữa áp lực, vữa được phun vào trong hố khoan neo và thay thế dung dịch khoan.

Kế tiếp, lắp đặt đầu neo (kết cấu đầu neo được lắp đặt và thi công để tạo phản lực lên bề mặt mái dốc khi căng kéo cáp; các hệ thống - khung bê tông đóng vai trò như các kết cấu tấm đệm chịu truyền phản lực lên mái dốc được lắp đặt trước khi thi công neo cáp; sử dụng một số loại kết cấu tấm đệm điển hình như nhựa polymer tổng hợp, bê tông hoặc thép...

Sau khi được thi công lắp đặt và đủ cường độ, các neo sẽ được tiến hành kéo thử nghiệm tạo hiện trường để kiểm tra năng lực thực tế của neo, bước cuối sẽ cố định đầu neo, sau khi căng cáp thì đầu cáp sẽ được cố định vào kết cấu tấm đệm hay đầu neo nhằm tạo phản lực ứng suất trước.

Diệu Thúy (TTXVN)
Sạt, lở đất ở Việt Nam - Bài 2: Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống
Sạt, lở đất ở Việt Nam - Bài 2: Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống

Tại khu vực miền núi phía Bắc vẫn còn hàng ngàn điểm có nguy cơ cao gây ra trượt lở đất, lũ quét, gây rủi ro lớn về người và tài sản nhất là khi mưa lũ sắp vào mùa cao điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN