Với những cô cậu học trò đang ở độ tuổi cấp II, cấp III, nhiều gia đình đã chọn cho con em mình một khóa huấn luyện trong “Học kỳ trong quân đội”. Ra đời ở miền Bắc tính đến nay là 3 năm, “Học kỳ trong quân đội” đã trở thành “cơn sốt” của không ít gia đình có con đang tuổi “mới lớn”… Một số gia đình nhận xét, các cháu đã tự tin và sống trách nhiệm hơn với chính mình và mọi người xung quanh.
Khóa huấn luyện học kỳ trong quân đội "Trải nghiệm trên biển" năm 2011 của Trung tâm thanh thiếu niên miền Bắc được triển khai từ tháng 3 nhưng ngay trong những ngày đầu đã có hàng chục lá đơn xin tham gia. Theo anh Bùi Ngọc Minh, Phó Giám đốc Trung tâm thanh thiếu niên miền Bắc thì các hoạt động của lớp "Học kỳ trong quân đội" đều khoa học, hữu ích, an toàn, hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của các em. Nhiều em nộp đơn muộn không được theo học đã khóc sụt sùi vì nuối tiếc.
Năm 2010, dự kiến tuyển 100 học sinh theo học lớp “Học kỳ trong quân đội” tại Quân khu II, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng khi đăng ký có tới 200 đơn xin tham gia, thế là đành phải chấp nhận. Trung tâm phải chuyển nhiều em qua Học viện Kỹ thuật quân sự để các em được tham gia lớp huấn luyện khác. Hiện nay, nhu cầu đăng ký rất lớn, vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh. Có em đã tham gia lớp huấn luyện từ năm ngoái nhưng năm nay vẫn tiếp tục đăng ký.
Tại website:
http://hockiquandoi.com, đọc những chia sẻ của các “tân binh” khi được tham gia học kỳ trong quân đội mới biết được không khí rèn luyện của các em. Để đến với học kỳ quân đội, các tân binh phải từ giã điện thoại di động, MP3, ti vi. Cách thức liên lạc duy nhất với gia đình là viết thư tay.
Nhật ký của "chiến sĩ" Trần Hoàng Thùy Vy viết: “Tôi còn nhớ rất rõ đó là vào đợt hè vừa rồi, khi tôi đi học về, ba mẹ kêu vào phòng để nói chuyện. Lúc đó tôi chỉ có thể nghĩ được rằng là thầy cô gọi điện than phiền tôi vì việc gì đó. Vẻ mặt của ba mẹ tôi rất nghiêm trọng. Tự dưng tôi cảm thấy không khí xung quanh như trầm lại, và ba nói với tôi: "Ba đã quyết định rồi, ba sẽ cho con tham gia chương trình Học kỳ quân đội". Nghe xong, tôi dường như sốc thật sự. Tôi đã khóc, khóc rất nhiều và năn nỉ ba mẹ rút lại ý định. Ngày đi cũng đã tới, mười ngày sống xa gia đình, không điện thoại, không máy vi tính và sẽ bị giam cầm vào kỷ luật thép. Chỉ nghĩ tới đó thôi cũng đủ làm tôi hụt hẫng. Sáu giờ sáng, trước tượng đài Bác Hồ, hơn 400 bạn từ 40 tỉnh, thành khắp cả nước đã tụ tập về đây. Không khí rất nhộn nhịp”.
“Chiến sĩ” này tâm sự: “Lễ chứng nhận trưởng thành diễn ra rất trang trọng. Và bất ngờ tên tôi được vang lên. Khó ai có thể tưởng tượng được tôi là người thay đổi nhiều nhất trong khóa huấn luyện, cầm trên tay tấm bằng chứng nhận trưởng thành do chính tay Giám đốc Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam trao cho dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người, tôi đã hết sức bất ngờ và không thể kìm được nước mắt. Tôi không nghĩ một đứa con đã từng nhiều lần làm ba mẹ khóc, phiền lòng như tôi lại có được sự thay đổi như ngày hôm nay".
Theo anh Bùi Ngọc Minh thì học kỹ năng xã hội, kỹ năng sống là rất quan trọng với các em. Thông qua hoạt động giúp các em tự tin, trách nhiệm hơn trong cuộc sống, có tinh thần chia sẻ, quan tâm đến những người xung quanh, tránh căn bệnh thờ ơ, vô cảm đang có biểu hiện trong giới học đường.
Lê Vân