Báo động ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: Bài 1 -

Rác thải y tế đi về đâu?

Theo quy chế quản lý chất thải y tế do Bộ Y tế ban hành, tất cả rác thải y tế độc hại phải được quản lý, thu gom và xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, một phần nguồn rác thải độc hại này lại đang được "tuồn" về các làng tái chế đồ nhựa, trong đó có làng nghề Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). Với cách sản xuất manh mún, tự phát, không theo bất cứ một quy trình giám sát chất lượng nào, các sản phẩm gia dụng được làm từ nguồn nguyên liệu này đang tiềm ẩn những nguy cơ chết người gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Nghề rao "ve chai, đồng nát"

Từ lâu làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì, được biết đến với nghề rao "ve chai, đồng nát", sau này phát triển thêm nhiều hộ làm nghề thu gom, tái chế đồ nhựa và các hộ dân ở đây cũng giàu lên, xây nhà cao, cửa rộng nhờ nghề này.

Cách đây vài năm, khi phong trào xây nhà trọ cho thuê ở xã chưa phát triển, nghề tái chế nhựa ở Triều Khúc luôn đứng ở vị trí "đỉnh cao". Nhu cầu về nguồn nguyên liệu lớn nên việc thu gom không chỉ trong phạm vi thành phố mà mở rộng ra cả các tỉnh lân cận do các hộ dân tự đi thu gom hoặc do các đơn vị, tổ chức có nguồn thải thanh lý lại.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày người dân Tân Triều thu gom được khoảng 30 tấn phế liệu. Nguồn rác thải sau khi được thu gom, các cơ sở tiến hành phân loại, sơ chế và tái chế hoặc cung cấp cho các nhà máy sản xuất ra các sản phẩm gia dụng cung cấp cho thị trường.
Tuy nhiên, hoạt động tái chế nhựa ở Tân Triều vẫn mang đầy tính tự phát, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt nguy hại là nguồn rác thải y tế độc hại vẫn được "tuồn" về đây để tái chế, sau đó cung cấp ra thị trường.

Tại xóm Án và xóm Lẻ, phế liệu tập kết về được đóng trong các bao để trong nhà kho hoặc chất đống ở các ô đất trống, chân tường; ven rãnh nước; đoạn đường dẫn ra nghĩa trang được tận dụng làm sân phơi đủ loại bao bì rác...Thậm chí, ngay trước cổng trụ sở UBND xã cũng biến thành nơi tập kết rác. Môi trường không khí bị ô nhiễm bởi khói bụi, hơi xăng, tiếng ồn.

Đang xuất hàng cho khách, anh Nguyễn Huy Tặng ở số nhà 7, ngõ 20, đường Tân Triều, cho biết: nghề tái chế nhựa ở Tân Triều đang dần mai một do tình trạng ô nhiễm môi trường, các hộ sản xuất thiếu mặt bằng sản xuất, nhiều hộ đã chuyển sang nghề khác.

Anh Tặng cho biết: Ở Tân Triều vẫn còn tình trạng nhập rác thải y tế về để tái chế nhựa. Cách đây vài năm, việc nhập rác thải y tế như bơm kim tiêm, găng tay, dây chuyền dịch, ống thở... ở Triều Khúc khá phổ biến. Nhưng dạo này, hình như có một đơn vị nào đó đứng ra thu gom với giá cao hơn, nên loại nguyên liệu này chuyển về Tân Triều ít hơn trước.

Theo phản ánh của một số người dân, các cơ sở sản xuất nhựa tái chế thu mua đủ loại phế thải nhựa, gồm cả sạch và bẩn với giá thu mua từ 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Hữu Tâm - cán bộ phụ trách môi trường - xây dựng của xã dẫn đi tham quan khu sản xuất, chế biến tập trung và các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Một số người dân cho biết: Phế thải y tế nhập về không chỉ có bơm tiêm, dây truyền, ống thở mà cả quần áo, ga giường bệnh viện... đã qua sử dụng cũng được thu mua, sau đó giặt sạch đem sử dụng vào việc khác. Mặc dù, một số cơ sở khẳng định không nhập rác thải y tế, nhưng quan sát bằng mắt thường lẫn trong đống phế thải vẫn có những bao bơm kim tiêm (đã được rút kim) hoặc lẫn những ống truyền dịch nhựa.

*Phế liệu thu lợi lớn

Theo UBND xã Tân Triều, hoạt động tái chế phế liệu đã giải quyết việc làm cho trên 500 lao động ở trong và ngoài địa phương, giá trị kinh tế mang lại cho địa phương khoảng 80 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, các hoạt động thu gom, tái chế của các cơ sở trên địa bàn đã làm cho môi trường của địa phương bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Nói về định hướng phát triển làng nghề, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đình Tâm cho biết: Tái chế nhựa chỉ là một lĩnh vực sản xuất ngành nghề của xã Tân Triều, quan điểm của xã là luôn quan tâm tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển sản xuất, nhưng phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước.

Các doanh nghiệp, công ty sản xuất tái chế nhựa phải tuân thủ các quy định trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể phải có hệ thống thoát nước thải, có ống khói thoát khí thải không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư xung quanh. Về phía công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình khi tham gia sản xuất, tái chế nhựa trên địa bàn xã phải cam kết tuân thủ các quy định đảm bảo vệ sinh môi trường; tuyên truyền thường xuyên, liên tục nâng cao ý thức cho người dân, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trước tình trạng rác thải y tế được tuồn vào làng nghề tái chế nhựa, sản xuất ra các sản phẩm, nguyên liệu nhựa cung cấp đi các nơi, nhưng xem ra ở Tân Triều chưa có một biện pháp hữu hiệu nào để quản lý, ngăn chặn.

Theo anh Nguyễn Hữu Tâm - cán bộ phụ trách môi trường của xã, từ năm 2008, khi thành phố Hà Nội ra quân rầm rộ kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực sức khỏe, môi trường thì xã Tân Triều cũng chỉ mới xử lý được một hộ dân thu gom rác thải y tế để tái chế. Để hoạt động tái chế nhựa phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe người tiêu dùng, Tân Triều cần có một đề án về quy trình sản xuất, tái chế nhựa đảm bảo an toàn, đúng quy trình, quy định của pháp luật và phù hợp với mô hình sản xuất nhỏ, lẻ ở địa phương.


Tuyết Mai

Lò đốt rác thải y tế công nghệ cao đầu tiên
Lò đốt rác thải y tế công nghệ cao đầu tiên

Ngày 10/8, Công ty TNHH Nhiệt Công nghiệp Hỏa Tự Long có trụ sở tại Bắc Kạn đã đưa vào vận hành lò đốt rác thải độc hại, rác thải y tế, công suất từ 30-50 kg rác thải y tế/1 giờ, đã được Bộ Khoa học & Công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền cho ông Trịnh Đình Năng, Giám đốc Cty HTL.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN