Sau khi được Chính phủ giao quản lý nhà nước về lĩnh vực vực GDNN, Bộ LĐTBXH đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?
Bộ LĐTBXH đang khẩn trương trình Chính phủ xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp để kịp thời triển khai Luật trong cuối năm 2016 - đầu năm 2017.
Để thực hiện Luật, chúng tôi đã xây dựng Nghị định và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, Bộ LĐTBXH sẽ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát lại mạng lưới các cơ sở GDNN trên toàn quốc. Trên cơ sở đó sẽ thống nhất với các bộ ngành địa phương tổ chức lại hệ thống GDNN trên toàn quốc.
Tiếp theo, Bộ sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh, đăng ký hoạt động, tổ chức đào tạo theo Luật GDNN. Cùng với đó, Bộ sẽ tăng cường tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên học nghề.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng GDNN phải đào tạo bồi dưỡng lại hệ thống giáo viên. Đội ngũ giáo viên phải đạt được 3 tiêu chí về trình độ đào tạo, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề. Đồng thời, chúng tôi sẽ chọn một số ngành nghề trọng tâm, trọng điểm để tập trung đào tạo theo chuẩn của các nước trong khu vực và trên tế giới.
Trước đây tồn tại 2 hệ thống, cao đẳng, trung cấp nghề và cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Vậy thời gian tới những trường này sẽ được quản lý ra sao, thưa ông?
Trước đây, trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề do bộ LĐTBXH quản lý còn trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Nhưng theo Luật GDNN, tới đây, 2 hệ thống này sẽ nhập vào làm một, các trường sẽ đổi tên thành trường trung cấp hoặc trường cao đẳng. Tuy nhiên, chỉ thực hiện sát nhập những trường trung cấp, cao đẳng hoạt động hiệu quả, những trường hoạt động kém hiệu quả sẽ phải tính đến chuyện giải thể. Các địa phương sẽ tự phải “tính toán” việc duy trì các trường trên địa bàn sao cho việc cung cấp nguồn nhân lực cho ngành và địa phương đảm bảo hiệu quả nhất. Bộ LĐTBXH đang đôn đốc các địa phương, các ngành triển khai quy hoạch này.
Đến nay, một số ý kiến vẫn băn khoăn về việc tại sao Bộ LĐTBXH lại quản lý các lĩnh vực chuyên ngành như y, văn hóa nghệ thuật... thưa ông?
Nghị quyết số 76/NQ-CP đã thống nhất giao cho Bộ LĐTBXH là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN. Theo đó, Bộ LĐTBXH chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, tức là xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện pháp luật và tổ chức, điều hành các hoạt động để đưa GDNN vào thực tiễn, chứ không phải cơ quan chủ quản, như một số trường đang hiểu. Việc quản lý trực tiếp (cơ quan chủ quản) các trường chuyên nghiệp vẫn là các bộ, ngành, địa phương như trước đây, không hề có sự thay đổi.
Các bộ chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn về chuyên môn của ngành mình cho các trường theo quy định của luật, nghị định và các thông tư hướng dẫn.
Thực tế, có không ít lo ngại, cho rằng khi Bộ LĐTBXH quản lý nhà nước về GDNN sẽ gây khó khăn cho công tác liên thông, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Việc Bộ LĐTBXH quản lý nhà nước sẽ không tạo nên những khó khăn về mặt liên thông như một số ý kiến đã nêu. Theo quy định của Điều 9, Luật GDNN, liên thông trong đào tạo được thực hiện căn cứ vào chương trình đào tạo; người học khi chuyển từ trình độ đào tạo thấp lên trình độ đào tạo cao hơn cùng ngành, nghề hoặc khi chuyển sang học ngành, nghề khác thì không phải học lại những nội dung đã học và do hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học quyết định.
Để giải quyết vấn đề liên thông, đối với việc liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng sẽ do Bộ LĐTBXH quy định; đối với liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học sẽ do Thủ tướng Chính phủ quy định theo quy định của (quy định tại Khoản 3 Điều 9 Luật GDNN), để tránh tình trạng gây khó dễ, cát cứ, phân mảnh giữa bộ này với bộ khác như trước đây.
Sắp tới, Khung trình độ quốc gia sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành bao gồm 8 bậc. Mỗi bậc trình độ được mô tả rõ ràng và liên kết với nhau theo chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm. Theo đó, hệ thống Khung trình độ này sẽ bảo đảm tính liên thông giữa các bậc, tạo điều kiện công nhận trình độ và học suốt đời. Thực tế những năm trước, việc liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng, đại học của các trường dạy nghề gặp khó khăn. Do vậy, nhiều trường đã e ngại, khi thuộc Bộ LĐTBXH quản lý thì liên thông sẽ khó khăn (không được lên trình độ cao hơn), đồng nghĩa với việc nhiều trường trung cấp sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên, những quy định mới về liên thông sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập đó.
Xin cảm ơn ông!