Quốc lộ 13 vừa rải thảm nhựa đã hỏng

Dự án BOT Quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư đi qua thị xã Bình Long và huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) đang khiến người dân vô cùng bức xúc. Đường vừa rải thảm nhựa vài tháng đã xuống cấp, gây ra khói bụi vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa.


Đoạn Quốc lộ 13 thi công dở dang tạo thành nhiều vũng nước khiến người dân đi lại khó khăn.

Người dân tại xã Thanh Lương, xã Thanh Phú, Lộc Thái không chịu nổi cảnh khói bụi nên dựng nhiều bảng phản đối dự án gây khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt bà con. Cuối năm 2014, trước sự phản ứng mạnh mẽ của người dân sống dọc hai bên đường, UBND tỉnh Bình Phước vào cuộc cho dự án tạm ứng 50 tỷ đồng để hoàn thành trước Tết Nguyên đán một nửa đường, phục vụ đi lại, hạn chế ô nhiễm từ khói bụi. Qua đó, việc thi công thảm nhựa một bên đường được các đơn vị thi công tiến hành khá nhanh chóng. Người dân sinh sống dọc Quốc lộ 13 khu vực thuộc thị xã Bình Long tràn ngập niềm vui được đón Tết Nguyên đán không còn khói bụi, lầy lội như mấy năm trước.

Thế nhưng niềm vui ngắn ngủi ấy chỉ trong thời gian sau Tết, một nửa phần đường đã thảm nhựa trước Tết đã bị bong tróc, sụt lún. Sau đó, nhiều đoạn nhựa đường được các đơn vị thi công phải cào bỏ và xe cộ qua lại khiến bụi bay mù mịt vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Không thể chịu nổi cảnh bụi bám đầy nhà, nhiều hộ gia đình đã dùng gỗ, bao tải, biển cảnh báo, cây… để dựng trên đường ngăn xe nhằm giảm tốc độ cho đỡ bụi bay.

Chị Nguyễn Thị Én, ấp Thanh Xuân, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long bức xúc nói: “Năm ngoái chúng tôi bức xúc phản đối tình trạng thi công chậm chạp gây khói bụi. Tỉnh chỉ đạo cho đổ nhựa hoàn thành một bên đường, người dân rất mừng. Nhưng sau đó ăn Tết xong, khoảng 20 ngày sau thì đường bắt đầu hư. Lúc đó để làm đường tiếp, đơn vị thi công cho xe cắt đường ra để làm đường, nhưng cắt xong thì lại để đó không làm nữa. Nước thì cũng không tưới thường xuyên. Mùa mưa còn đỡ bụi, còn trời nắng dân chúng tôi không thể chịu nổi khói bụi. Bây giờ dân chúng tôi chỉ mong con đường hoàn thành sớm, cho dù nửa bên kia không hoàn thành thì nên sửa lại đang hoàng cho bà con nửa bên này đi lại, hạn chế bụi bặm”.

Đoạn đường mới rải thảm nhựa đã xuống cấp.

Khói bụi không những ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt mà còn khiến trẻ em, người già mắc bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, sau khi đường thảm nhựa, nhiều hộ gia đình đã bắt đầu kinh doanh tạp hóa, mở các quán ăn trở lại sau những năm tháng chống chọi với bụi. Thế nhưng chỉ được vài tháng nhiều hộ phải nghỉ vì không có khách do không đảm bảo vệ sinh. Bà Nguyễn Thị Xuân Liên, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long cho biết: “Dân làng chúng tôi sống hai bên mặt đường rất khổ. Đã 5 đến 6 năm nay chúng tôi ăn Tết với bụi. Tôi có một bà mẹ già do không chịu nổi cái bụi bay vào nhà nên phải gửi về Thành phố Hồ Chí Minh sống với bà chị chồng tôi. Nhiều hộ tại xã Thanh Phú cũng phải bán đất đi sống nơi khác. Bản thân tôi có mấy đứa con, các cháu ốm đau luôn do không thể chịu nổi con đường bụi như thế này. Có những đêm, khi đi ngủ, chúng tôi còn phải bịt khẩu trang. Dân chúng tôi không hiểu sao khi đường bên kia chưa làm xong thì đường mới thảm nhựa này đã hư? Đi đưa đón mấy đứa cháu đến trường học, tôi cũng như một số người dân ở đây ngã năm lần bảy lượt nên bà con ở đây rất bức xúc”.

Ông Hồ Văn Hữu, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước cho biết: “Hiện nay đường hư hỏng, nguyên nhân do đơn vị thi công làm quá lâu. Trời mưa, nước ngấm xuống nền đường cho nên nó bị yếu đi, sau đó bị lún và hư. Trong quá trình thi công, các đơn vị thi công chưa chấp hành đúng quy trình thi công đường bê tông nhựa nóng. Lẽ ra lớp đá 04 phải rải ra bằng máy rải, tức là thường dùng xe rùa để đảm bảo không bị phân tầng. Sau khi lu thì mới chắc, lúc đó thảm lên bê tông nhựa nóng thì mới sử dụng lâu dài được".

“Về phía Sở Giao thông vận tải với trách nhiệm quản lý Nhà nước, ngành cũng tham mưu cho UBND tỉnh rất nhiều. Nhưng về phần trách nhiệm, rõ ràng các đơn vị thi công này cũng không chấp hành. Kể cả các vấn đề mất an toàn giao thông chúng tôi cũng có kiến nghị, yêu cầu. Nhưng thực sự mà nói, đơn vị này lúc đầu thì tích cực làm, nhưng về sau này gặp khó khăn về tài chính thì họ làm cầm chừng nên gây bức xúc cho người dân”, ông Hồ Văn Hữu nhấn mạnh.

Trước tình trạng trên, tháng 9/2015, để giải quyết các tồn tại, vướng mắc, UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư thông báo cho các cổ đông góp đủ vốn vào doanh nghiệp theo qui định tại hợp đồng BOT và giấy chứng nhận đầu tư đã cấp. Nếu các cổ đông nào không chấp hành việc góp vốn, huy động nhân lực, nguyên liệu, thiết bị phục vụ cho thi công thì nhà đầu tư tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định. Nhà đầu tư phải tiến hành thi công trở lại, trước mắt khắc phục ngay những vị trí hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời phải tiếp tục thảm nhựa lớp 2 một bên tuyến đảm bảo theo đúng thiết kế kỹ thuật.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 là chủ trương nhằm phát triển kinh tế địa phương, gắn liền với các cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Hoàng Diệu với Vương quốc Campuchia. Điều đáng nói là dự án đã thi công chậm chạp nhiều năm nay ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Hầu hết trong các kỳ họp hay tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị về tình trạng đoạn đường đã làm cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đã có rất nhiều lời hứa của các lãnh đạo có thẩm quyền là con đường sẽ hoàn thành sớm nhưng cho đến bây giờ người dân vẫn phải chịu đựng. Người dân phải mỏi mòn chờ con đường hoàn thành đến bao giờ?

Tin, ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Hải Dương di dời các nhà máy ô nhiễm ra khỏi trung tâm
Hải Dương di dời các nhà máy ô nhiễm ra khỏi trung tâm

Nhằm từng bước đưa thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020, tỉnh Hải Dương đã có chủ trương di dời nhiều nhà máy ra khỏi khu vực nội thành từ nhiều năm qua. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 2 nhà máy cơ bản di chuyển xong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN