Nhà máy sứ Hải Dương ở trung tâm thành phố sẽ phải di dời. |
Theo đó, Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu thành phố Hải Dương và một số ban, ngành chức năng “triển khai việc di chuyển một số doanh nghiệp ra ngoài trung tâm thành phố theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó tập trung vào Công ty bơm, Công ty Chế biến lương thực tổng hợp (thời hạn đến năm 2010), Công ty cổ phần sứ Hải Dương, Công ty cổ phần Đá mài, Vigracera (thời hạn vào sau năm 2010)”.
Tiếp đó, trong văn bản số 75/TB-VP ra ngày 29/4/2011, UBND tỉnh Hải Dương đã giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan giới thiệu địa điểm và tổ chức lập quy hoạch để các doanh nghiệp di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi trung tâm thành phố, bàn giao lại mặt bằng cho thành phố quản lý, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định. Tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các sở, ngành có liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp lập dự án đầu tư di chuyển cơ sở sản xuất ra vị trí mới.
Về lộ trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đưa ra thời hạn là năm 2010. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Xây dựng, vì nhiều lý do, trong đó có lý do về kinh phí và chọn địa điểm nên cho đến nay mới cơ bản di dời xong Nhà máy chế tạo bơm và Công ty Chế biến lương thực tổng hợp (hay còn gọi là Nhà máy xay). Riêng với Nhà máy đá mài, đến nay mới xác định được vị trí mới đang trong quá trình thực hiện việc di chuyển.
Ông Bùi Tiến Nhật, trú tại phố Phạm Ngũ Lão (ngay cạnh nhà máy sứ Hải Dương) cho biết, nhân dân hoàn toàn ủng hộ việc di dời các nhà máy ra khỏi trung tâm thành phố. Việc di dời nhằm đảm bảo môi trường sinh sống cho người dân, bởi cứ để các nhà máy như thế này thì tiếng ồn của máy móc cộng với khí thải, bụi... ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Những vấn đề "hậu di dời"
Trong danh mục các nhà máy thuộc diện di dời, với Nhà máy bơm và Nhà máy xay, tỉnh Hải Dương đã đồng ý chủ trương quy hoạch khu vực này thành khu công viên cây xanh, quảng trường, khu văn hóa thể thao, vui chơi giải trí cho thiếu nhi và dành một phần đất xây nhà chung cư cao tầng hiện đại và kinh doanh dịch vụ để tạo nguồn vốn đầu tư. Còn đối với Nhà máy đá mài, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phần đất sau khi nhà máy di dời sẽ được chuyển thành khu đô thị.
Trường hợp Nhà máy sứ Hải Dương đang trong giai đoạn nghiên cứu tổng thể, lập quy hoạch phân khu. “Thành phố Hải Dương đang điều chỉnh quy hoạch chung để phục vụ cho mục đích nâng cấp đô thị lên thành đô thị loại I trước năm 2020. Hiện nay, Sở Xây dựng cùng các sở, ngành và UBND thành phố Hải Dương đang thực hiện bước thẩm định, trình các cấp có thẩm quyền để phê duyệt quy hoạch chung này”, ông Thọ cho biết.
Trước nhiều ý kiến người dân trong thời gian qua bày tỏ băn khoăn về việc sử dụng quỹ đất của Nhà máy sứ Hải Dương sau khi di dời, đại diện Sở Xây dựng Hải Dương khẳng định: “Việc sử dụng quỹ đất các nhà máy sau khi di dời sẽ là nội dung được nghiên cứu kỹ trong quá trình lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu để sao cho quỹ đất phát huy hiệu quả nhất trong việc phát triển kinh tế xã hội và tạo cảnh quan đẹp cho thành phố. Trong quá trình lập quy hoạch sẽ tổ chức lấy ý kiến của các ngành, các Hội nghề nghiệp, các chuyên gia, và lấy ý kiến của nhân dân về bản quy hoạch để làm sao vừa đảm bảo lợi ích chung vừa đảm bảo cảnh quan, môi trường".
Về lộ trình di dời cũng như phương án sử dụng quỹ đất hậu di dời Nhà máy sứ Hải Dương, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho biết, sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, các cơ quan chức năng sẽ lập quy hoạch phân khu trong đó có nghiên cứu các khu vực lân cận nhà máy sứ, ví dụ: Trung tâm triển lãm, hồ Bình Minh, khu tập thể Bình Minh cũ, khu di tích Hào Thành… Trên cơ sở quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới tiến hành kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện đấu thầu để thực hiện các dự án theo quy hoạch. Tỉnh kỳ vọng sẽ hoàn tất việc di dời các doanh nghiệp, nhà máy ra khỏi trung tâm thành phố Hải Dương vào trước năm 2020.