Ô nhiễm môi trường khu vực ven đô

Những năm gần đây, các khu vực ven ngoại thành Hà Nội có tốc độ đô thị hóa, dân số cơ học cũng tăng theo trong khi hạ tầng chưa đáp ứng kịp, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.


Ô nhiễm rình rập

Khu vực quận Nam Từ Liêm những năm gần đây luôn phát triển nóng về xây dựng gồm cả khu chung cư lẫn xây dựng nhà dân. Chị Bạch Thúy Hồng, làng Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Khu vực này lúc nào cũng có hộ xây dựng, rồi mật độ giao thông tăng nhanh, khiến không khí lúc nào cũng bụi và ồn. Nhà tôi khoảng 2 - 3 ngày đã thấy bụi bám lên các đồ vật trong nhà. Đó là chưa kể khu này có nhiều người thuê trọ, ý thức giữ gìn vệ sinh kém, vứt rác không đúng giờ và nơi quy định, khiến khu phố trông nhếch nhác”.

Ô nhiễm rác, nước thải khu vực ven đô. Ảnh: Xuân Cường

Còn đến làng bún Phú Đô, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, ngay từ đầu làng đã Xộc lên mùi chua đặc trưng. Hiện làng Phú Đô có hơn 200 hộ sản xuất nghề truyền thống, sản xuất 80 tấn bún/ngày. Lượng nước thải sau khi sản xuất xả thẳng vào hệ thống nước thải chung. “Do các nhà dân tại đây chia thành nhiều ô đất bán, nên mật độ xây dựng gấp 3 - 4 lần trước đây, trong khi hệ thống cống thoát nhỏ, khiến trời mưa to làm nước thải và nước sản xuất làng nghề tràn vào nhà dân”, bác Nguyễn Tiến Mạnh, một người dân làng Phú Đô chia sẻ.

Trong tình trạng tương tự, tại khu vực Xuân La (Tây Hồ) có nhiều khu vực giáp ranh giữa khu đô thị và đồng ruộng, khu đất chờ dự án xây dựng luôn ngập rác và ứ đọng nước thải. “Bức xúc nhất là gần đây tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết tại khu vực đã xuất hiện vài trường hợp”, anh Nguyễn Văn Thanh, người dân khu vực Xuân La, cho biết.

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm môi trường đô thị và công nghiệp, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ môi trường Việt Nam đánh giá: “Diện tích và dân số vùng ven đô tăng nhanh, nhưng hạ tầng kỹ thuật đô thị như hệ thống cấp nước, thoát nước, giao thông... đều lạc hậu, chắp vá hoặc được đầu tư chậm. Điều này dẫn đến ô nhiễm môi trường vùng ven đô sẽ gia tăng”.

Tuân thủ quy hoạch

GS Phạm Ngọc Đăng cho rằng, thực trạng ô nhiễm môi trường ven đô xuất phát từ khâu quy hoạch, cách đầu tư và quản lý kém, trong đó nhiều quy định của pháp luật về quản lý đô thị nói chung, quản lý môi trường nói riêng, chưa được thực hiện nghiêm minh. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền, phải có chế tài nghiêm trong việc triển khai đúng với quy hoạch, đồng thời hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng tham gia thực hiện các chính sách quản lý và bảo vệ môi trường.

Việc quản lý môi trường gắn với Năm trật tự đô thị trong thời gian qua được triển khai rõ nhất ở quận Nam Từ Liêm. Đây là địa bàn được đánh giá có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của Hà Nội, với nhiều dự án, công trình xây dựng đã đưa nhiều làng lên phố. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch quận Nam Từ Liêm, cho biết: “Để đảm bảo xây dựng đúng quy hoạch, cũng như vệ sinh môi trường đô thị, lãnh đạo quận phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra. Nhiều đêm, lãnh đạo quận trực tiếp cùng với lực lượng chức năng kiểm soát việc đổ trộm phế thải xây dựng, gây ô nhiễm cảnh quan, trong đó xử phạt nghiêm để răn đe. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, nhất là khu vực có nhiều thành phần dân cư. Đây là việc khó, bởi chuyển biến nhận thức phải “mưa dầm thấm lâu” do đây là khu vực mới chuyển từ xã lên phường, nông dân thu hồi đất chuyển qua làm kinh doanh dịch vụ”.

“Việc phát triển đô thị khu vực ven đô đi đôi với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của Năm trật tự văn minh đô thị. Do đó, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc vừa tuyên truyền, vừa thường xuyên kiểm tra thực địa để giải quyết những bất cập phát sinh, trong đó huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong tuyên truyền vận động”, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Năm trật tự văn minh đô thị Hà Nội cho biết.
Xuân Minh - Thu Thủy
Lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường
Lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường

Việc thực hiện khai thác, chế biến khoáng sản trong những năm qua thực tế không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Bắc Kạn, ngược lại, hệ lụy của nó quá lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN